icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ lại vườn cây trái ven sông

Bài và ảnh: Thanh Thảo

Việc bảo tồn những vườn cây ăn trái đặc sản ở TP Thuận An chính là giữ "lá phổi xanh" cho địa phương đông dân nhất tỉnh Bình Dương, đồng thời tạo cơ hội phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn

Xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương có địa hình trải dài dọc bờ sông Sài Gòn khoảng 4 km. An Sơn được quy hoạch giữ nguyên các vườn cây ăn trái vốn rất nổi tiếng ở đây khi đổi thành đơn vị phường. Bởi lẽ, không chỉ bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, việc này còn tạo thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái.

Định hình đô thị xanh

Ông Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết địa phương có diện tích tự nhiên khoảng 577 ha, trong đó hơn 310 ha là vườn cây măng cụt.

Theo quy hoạch, An Sơn nằm trong khu vực gắn kết với các tuyến giao thông quan trọng như: đường sông Sài Gòn, đường Vành đai 3, đường ven sông Sài Gòn, đường Hồ Văn Mên... An Sơn còn nằm trong khu vực bảo tồn và phát triển vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Đây là điều kiện để An Sơn phát triển các không gian theo hướng đô thị sinh thái.

Đô thị An Sơn được quy hoạch gồm 2 không gian. Trong đó, không gian vườn cây trái sẽ là vùng đô thị sinh thái mật độ thấp, cửa ngõ phía Tây Bắc của TP Thuận An, kết nối với TP HCM thông qua cầu Bình Gởi và tuyến đường Vành đai 3, kết nối với TP Thủ Dầu Một qua cầu Bà Lụa. Còn không gian phát triển đô thị An Sơn sẽ gắn với vườn cây ăn trái hiện hữu theo hướng giữ lại tối đa diện tích vườn nhằm phát triển du lịch, giữ lại bản sắc văn hóa lâu đời và đóng vai trò "lá phổi" lớn của Thuận An. Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang, phát triển theo các tuyến đường, cụm dân cư tập trung đang có.

Đối với không gian ven sông Sài Gòn, phát triển các khu đô thị mới hỗn hợp nằm ở phía Nam, phía Đông Nam giáp với cảng An Sơn và phường Bình Nhâm nhằm khai thác cảnh quan ven sông. Các bến thủy trên hành lang sông Sài Gòn phục vụ du lịch, vận tải thủy nhằm phát triển đô thị có đặc thù sinh thái vườn cây ăn trái kết hợp thương mại, dịch vụ.

Vườn măng cụt của gia đình ông Phạm Văn Châu tại ấp An Quới, xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

Vườn măng cụt của gia đình ông Phạm Văn Châu tại ấp An Quới, xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

Ông Tuấn cho biết theo quy hoạch, An Sơn được phân chia thành các khu vực chức năng đô thị theo mật độ xây dựng hợp lý, yêu cầu bảo vệ môi trường, cân bằng giữa các chức năng đô thị, bảo đảm phát triển bền vững. An Sơn sẽ phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống địa phương.

Ông Tuấn cho rằng thời gian tới, địa phương phải khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ven sông. Tuyến đường đê bao ven sông Sài Gòn sẽ được tập trung đầu tư hoàn chỉnh, tạo sự liên kết với hệ thống giao thông liên vùng nhằm tạo sức bật cho ngành du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông… để nâng cao mức sống người dân.

Một chuyên gia kinh tế nhận định để nâng cao chất lượng vườn cây gắn với du lịch sinh thái, thời gian tới, An Sơn phải từng bước phục hồi, phát triển vườn cây ăn trái, tạo điều kiện để hướng tới phát triển du lịch sinh thái. An Sơn cần phát triển, nâng cao hiệu quả vườn cây ăn trái trên cơ sở khai thác diện tích những nhà vườn hiện có bằng các giải pháp đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, giống, tập huấn sản xuất theo hướng VietGAP. Ngoài ra, đầu tư phát triển các loại cây ăn quả đặc sản trên địa bàn như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ.

Cuộc sống người dân sẽ ngày càng tốt hơn

An Sơn là địa phương duy nhất ở TP Thuận An còn đơn vị hành chính xã. Cuộc sống nhiều người dân ở đây vẫn còn khó khăn, đa phần người trẻ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, còn người già chủ yếu ở nhà chăm vườn măng cụt. Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 165 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo.

Ông Phạm Văn Châu (ấp An Quới, xã An Sơn) cho rằng việc giữ lại mảng xanh cho TP Thuận An là hoàn toàn hợp lý, trong bối cảnh nhà máy, xí nghiệp xuất hiện dày đặc. Tuy nhiên, nếu giữ lại các vườn măng cụt thì phải cho người dân thấy được lợi ích từ việc này như thế nào, họ có thể sống nhờ vào các vườn cây này hay không…?

Ông Châu dẫn chứng gia đình ông có 1 ha vườn cây măng cụt nhưng mùa màng thất thường, cứ năm này được mùa thì năm khác lại mất mùa. Năm nay, vườn măng cụt của gia đình ông chỉ đạt năng suất khoảng 20%-30%. Kể cả những năm được mùa, giá cả măng cụt cũng thất thường. Vì vậy, ông mong mỏi chính quyền làm sao để bảo đảm cuộc sống cho người dân khi quyết giữ lại vườn cây măng cụt.

Theo ông Châu, để làm được điều này, chính quyền địa phương phải phát triển được mô hình hợp tác xã thương mại, nhận thu mua 100% trái măng cụt cho người dân với giá nhất định từ đầu mùa đến cuối mùa. "Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân. Trước đây, người dân được hỗ trợ tiền phân bón nhưng vài năm nay không còn áp dụng nữa, chúng tôi cũng không biết vì sao" - ông thắc mắc.

Bên cạnh đó, nhiều người dân An Sơn cũng băn khoăn về việc khống chế mật độ xây dựng. Ví dụ, mảnh đất 1.000 m2 trong vùng lõi của An Sơn chỉ được phép lên thổ cư 300 m2 và diện tích xây dựng chỉ được khống chế 100 m2.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, cho rằng đó cũng là trăn trở của thành phố khi giữ lại mảng xanh giá trị ở An Sơn. "Mong muốn của người dân là hoàn toàn hợp lý. Thành phố đang xem xét để điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp, trong đó có việc nâng mật độ xây dựng lên" - ông Tâm cho hay.

Đối với các chính sách hỗ trợ người dân giữ lại vườn cây măng cụt, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết địa phương đang có những tính toán, cân đối sao cho phù hợp. TP Thuận An bảo đảm người dân sẽ có cuộc sống ngày càng tốt hơn khi cùng đồng lòng với chính quyền địa phương quyết giữ lại mảng xanh cho thành phố. 

Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín" từ ngày 19 đến 22-6 đã diễn ra thành công. Lễ hội này đã trở thành hoạt động truyền thống của người dân Bình Dương nói riêng và Nam Bộ nói chung; là nơi bày bán và giới thiệu những loại cây trái ngọt lành của một vùng đất trù phú.

Lễ hội năm nay còn nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn các giống cây trồng ăn quả, hướng đến mục đích khôi phục thương hiệu "Vườn cây ăn trái Lái Thiêu" đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Thuận An.

Việc duy trì Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín" được xem là một trong những giải pháp của địa phương trong việc giữ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo