Song, đó là cách để họ gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Ở "xóm guốc", không ai không biết cơ sở Sáu Dẻo. Đây là một trong những cơ sở nổi tiếng và lâu đời nhất ở đây. Bà Nguyễn Thanh Cầm, chủ cơ sở guốc mộc Sáu Dẻo, cho biết vợ chồng bà tiếp quản cơ ngơi từ cha mẹ chồng để lại. Cha mẹ chồng bà Cầm đã làm guốc mộc 50 năm, vợ chồng bà đến nay cũng đã theo nghề hơn 30 năm.
Bà Cầm cho biết vài năm gần đây, người dân quan tâm đến guốc mộc nhiều hơn. Khi diện áo dài dịp lễ, Tết, họ thích mang guốc mộc.
Những ngày giáp Tết, cơ sở làm guốc mộc của ông Nguyễn Văn Sự luôn tất bật, bởi đây là thời điểm có đơn hàng nhiều nhất trong năm. Theo ông Sự, cơ sở của ông chỉ gia công guốc mộc thô, sau đó thương lái ở TP HCM tới lấy hàng về làm ra thành phẩm với nhiều mẫu mã khác nhau. Một đôi guốc thô chỉ có giá từ 3.000 - 5.000 đồng.
Nghề làm guốc mộc được ông Sự học từ ông nội của mình. Trải qua hàng chục năm gắn bó, ông luôn dành tình cảm đặc biệt với nghề này. Trung bình mỗi tháng, ông kiếm được khoảng 15 - 17 triệu đồng, dù thu nhập không cao nhưng đủ nuôi vợ con. Hiện nay, người con trai của ông tiếp tục theo nghề của gia đình.
Theo bà Cầm, làm guốc mộc thì công đoạn nào cũng quan trọng, người thợ phải tỉ mỉ, chỉn chu mới cho ra được sản phẩm chất lượng, bắt mắt. Nguyên liệu làm guốc thường là các loại gỗ xốp nhẹ, dễ xẻ và tạo dáng như mít, xoài, dừa, gòn, thông… Người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như cưa khúc, bổ khổ rồi cho vào máy xẻ, mài thô để định hình dạng chiếc guốc, sau đó mài nhẵn và phun sơn. Công đoạn cuối cùng là đóng đế, làm quai hay sơn trang trí tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Guốc gồm nhiều loại như: guốc mộc, guốc sơn, guốc vẽ, khắc hoa văn... Hiện nay, nghề guốc được kết hợp với nhiều nghề thủ công khác như sơn mài, thêu tay, kết cườm, tạo thành những đôi guốc có giá trị và tính thẩm mỹ cao.
Tại Bình Dương, các cơ sở làm guốc mộc chủ yếu tập trung trên địa bàn phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một và phường Bình Nhâm, TP Thuận An. Theo Địa chí Thủ Dầu Một năm 1901, xóm làm guốc Phú Văn (nay là phường Phú Thọ) có trên 80 hộ dân sống bằng nghề cha truyền con nối này. Vì vậy, ở đây có hẳn con đường mang tên Xóm Guốc. Đến năm 1999, tên Xóm Guốc được công nhận và ghi vào hệ thống các tên đường ở TP Thủ Dầu Một.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, xóm guốc ở phường Phú Thọ và phường Bình Nhâm hiện chỉ còn vài hộ làm nghề với quy mô gia đình. Thời gian làm guốc cũng chỉ khoảng vài tháng trong năm. Các cơ sở này chủ yếu gia công guốc mộc và xuất bán cho các thương lái mang về TP HCM, Hà Nội... để tạo ra thành phẩm.
Nghề làm guốc mộc vốn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển do thị hiếu và sức cạnh tranh ngày càng giảm. Song, một số cơ sở guốc mộc ở Bình Dương vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề này. Làng nghề guốc mộc dù không lớn nhưng cũng tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và trở thành một trong những địa điểm du lịch làng nghề thú vị của du khách khi đến Bình Dương.
Bình luận (0)