Không chỉ làm say lòng du khách bởi vẻ đẹp của mình, những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn tại Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ còn là chốn an cư của nhiều loài động - thực vật quý hiếm được nêu trong Sách đỏ Việt Nam, nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bảo vệ sự đa dạng sinh học
VQG U Minh Hạ có diện tích hơn 8.527 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. VQG này có các phân khu: khu bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái ngập nước…
VQG U Minh Hạ không chỉ là một trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước tại ĐBSCL mà còn là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau - được UNESCO công nhận năm 2009.
Trong bối cảnh trái đất ngày càng nóng dần do hiệu ứng nhà kính, rừng càng trở nên có giá trị đặc biệt trong việc bảo vệ sự sống con người và muôn loài, góp phần cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu… Vậy nên, không ít người đã ví rừng U Minh Hạ là một trong những "lá phổi xanh" của trái đất.
VQG U Minh Hạ còn là nơi cư trú của 176 loài thực vật, 23 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát… Trong đó, nhiều loài động - thực vật có giá trị khoa học và quý hiếm như: tê tê Java, rùa ba gờ, cây bí kỳ nam… VQG này có hơn 30 loài cá sinh sống, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như: cá lóc, trê vàng, cá rô, sặc bướm…
Ban Quản lý (BQL) VQG U Minh Hạ xác định việc bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn… là những nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện trong thời gian tới cũng như trong tương lai.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm bảo tồn đất ngập mặn tại ĐBSCL và là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau

Lực lượng bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ băng rừng để tuần tra
Biểu tượng, niềm tự hào
Không chỉ ngành chức năng mà người dân Cà Mau cũng xem rừng U Minh Hạ nói chung và VQG U Minh Hạ nói riêng là biểu tượng, là niềm tự hào của địa phương nên mọi người ra sức gìn giữ, bảo vệ. Tuy nhiên, cũng có số ít người dân vì lợi ích trước mắt mà thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật nên công tác bảo vệ rừng ở đây càng phải gắt gao.
Bất chấp tiết trời nắng nóng như đổ lửa hay những cơn mưa như trút nước, lực lượng bảo vệ rừng tại VQG U Minh Hạ vẫn túc trực trên chòi quan sát để canh lửa và lội bộ băng rừng tuần tra.Ông Bùi Văn Phi, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng Minh Hà - VQG U Minh Hạ, cho biết cứ 5 giờ 30 phút mỗi ngày, ông lại cùng đồng đội thức dậy ăn sáng rồi bắt đầu băng rừng để tuần tra.

Một số loài động - thực vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ
"Việc tuần tra bảo vệ rừng rất vất vả nhưng chúng tôi đã làm lâu rồi nên cũng quen dần. Tôi xem nơi đây như nhà của mình bởi đã gắn bó hàng chục năm. Chỉ cần rừng được an toàn để các loài động - thực vật sinh sôi, phát triển thì có vất vả mấy, anh em chúng tôi cũng chịu được" - ông Phi bày tỏ.
Những người bảo vệ rừng mỗi ngày sẽ tuần tra một tuyến đường, chứ không đi theo lối mòn vì dễ bị các đối tượng nắm được lịch trình đột nhập rừng săn bắt các loài động vật. Trong quá trình tuần tra, họ vừa đi vừa dùng dao phát dọn đường.
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng phải băng qua những bụi cây gai nhọn nên việc đổ máu do bị cắt đứt tay chân hay đối mặt những loài rắn độc là chuyện như cơm bữa. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, lực lượng tuần tra sẽ lập tức thông báo đến lãnh đạo VQG U Minh Hạ để bố trí thêm nhân sự, lên kế hoạch phục kích.
Anh Châu Quốc Sự là người nhỏ tuổi nhất trong lực lượng bảo vệ rừng ở VQG U Minh Hạ, mới gắn bó với công việc này được 2 năm. "Những ngày đầu, tôi cảm thấy rất buồn và nghĩ mình sẽ không gắn bó lâu với công việc này, bởi vất vả và không có nhiều thời gian lo cho gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tôi đã thay đổi suy nghĩ và muốn góp phần bảo vệ rừng được tốt hơn" - anh Sự thổ lộ.
BQL VQG U Minh Hạ cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ - nhân viên về điều tra, giám sát đa dạng sinh học; quản lý, theo dõi động - thực vật. BQL cũng sẽ tổ chức tập huấn về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học cho lực lượng làm nhiệm vụ tại đơn vị.
Tạo sinh kế cho người dân
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc bảo vệ rừng cũng được Ban Quản lý VQG U Minh Hạ chú trọng, thực hiện thường xuyên.
"Đa phần người vi phạm pháp luật thường có hoàn cảnh khó khăn nên giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa là tạo sinh kế để giúp họ có việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Khi ấy, mọi người sẽ chung tay cùng lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện tốt việc bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh học tại vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau" - ông Trần Công Hoằng, Giám đốc VQG U Minh Hạ, nhấn mạnh.
Bình luận (0)