Ngày 15-3, tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.
Tạo cơ hội cao nhất cho người học
Nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh, từ năm 2015 đến nay, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đề cập 8 vấn đề đổi mới. Đó là, đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…
Chẳng hạn ở phương thức xét tuyển, việc tuyển sinh của các trường đại học vốn chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì nay đa dạng hơn. Còn việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, vốn chỉ áp dụng theo 4 nguyện vọng thì nay không giới hạn và việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng áp dụng theo hình thức trực tuyến.
Theo bà Thủy, tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất cho người học.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định 9 năm qua những đổi mới này mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.
Ông Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở đào tạo tiếp tục phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế; đánh giá, đối sánh các phương thức tuyển sinh để đưa ra phương thức phù hợp nhất cho từng ngành. Đặc biệt, các trường đại học cần sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025 vì đây là vấn đề học sinh muốn biết để có phương án cho việc học tập, ôn luyện…
Còn nhiều hạn chế, bất cập
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các trường đại học đánh giá cao những đổi mới tuyển sinh trong 9 năm qua, không chỉ mang lại lợi ích cho người học mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo.
Góp ý về công tác tuyển sinh trong thời gian tới, nhiều ý kiến tập trung về quy trình xét tuyển và lọc ảo; thời gian đăng ký xét tuyển, xét tuyển sớm…
Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng những năm qua, việc lọc ảo còn mất nhiều thời gian, nên rút còn 5 ngày. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện phần mềm lọc ảo, cho các trường dùng thử.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đề nghị xét tuyển sớm chỉ nên dành cho khối năng khiếu. Còn ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ tuyển sinh quá cao (24% - 25%), do đó cần có điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn.
Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định đặt ra nhiều băn khoăn về tỉ lệ lựa chọn xét tuyển khối khoa học xã hội cao hơn khoa học tự nhiên. Vì thế, sở này kiến nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp phân bổ chỉ tiêu cân đối giữa 2 khối.
Ghi nhận ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận công tác tuyển sinh giai đoạn từ năm 2015 đến nay còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Theo đó, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Trong xét tuyển cũng phát sinh những bất cập như có tình trạng trường gọi vượt quá chỉ tiêu khiến thí sinh xét tuyển bằng các phương thức sau không có cơ hội trúng tuyển.
Ông Hoàng Minh Sơn đề nghị trong năm 2024 cần khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục duy trì ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trên tinh thần đó, Bộ GD-ĐT giao Vụ Giáo dục đại học hoàn thiện kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước.
Về định hướng tuyển sinh từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung công tác tuyển sinh trong thời gian tới, còn những bất cập về phương thức tuyển sinh, xét tuyển sớm, quy trình đăng ký và lọc ảo… cần sớm điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025.
Báo cáo kết quả tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 của Bộ GD-ĐT cho biết trong năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 1.022.063 thí sinh; tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non là 663.063; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686; tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,45%; tỉ lệ nhập học/số dự thi tốt nghiệp THPT là 53,12%.
Bình luận (0)