Với hơn 116 km bờ biển và trên 24.000 ha rừng ven biển, Quảng Bình đang sở hữu một "lá chắn xanh" bảo vệ cuộc sống người dân khỏi nạn cát bay, biển xâm thực, bão lũ hằng năm. Tuy nhiên, diện tích rừng ven biển ở đây ngày càng bị thu hẹp bởi sự phát triển kinh tế, đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp hết sức quan trọng là giữ xanh cho được những diện tích rừng ven biển này.
Tuyến phòng thủ sinh thái
Từ TP Đồng Hới xuôi về phía Nam hay ngược lên hướng Bắc dọc Quốc lộ 1, Quảng Bình hiện lên với cát trắng, biển xanh và những rặng rừng phòng hộ oằn mình trong gió.
Tại thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch - có một khu rừng trâm bầu cổ thụ rộng hơn 150 ha nằm trải dài trên dải cát ven biển, được gìn giữ qua bao đời nay và được dân làng xem như là báu vật. Rừng trâm bầu là "lá phổi xanh" che chắn cho dân làng trước những trận gió Lào bỏng rát; chặn cát bay, cát nhảy và phong ba bão tố.
Những cây trâm bầu cổ thụ ở đây vươn rễ sâu bám chắc vào lòng đất, hiên ngang giữa nắng gió. "Rừng đã có trên 500 tuổi, nơi đây còn là chốn linh thiêng được người dân lập hương ước, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại. Nhờ có rừng mà cuộc sống người dân mới yên" - ông Dương Bình Sơn, Trưởng thôn Thanh Bình, khẳng định.


Rừng phòng hộ ven biển ở TP Đồng Hới đóng vai trò quan trọng trong việc chống thiên tai, bảo vệ môi trường
Thực tế cho thấy hiếm nơi nào ven biển còn giữ được cánh rừng độc đáo như ở Thanh Bình. Tại nhiều địa phương như phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) hay xã Quang Phú (TP Đồng Hới), Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) đa phần là rừng phòng hộ nên sau mỗi trận bão, cây phi lao bị bật gốc trơ trụi. Người dân tất bật dọn dẹp, rồi trồng lại từ đầu. Nhưng trồng rừng trên đất cát chưa bao giờ là chuyện dễ, cây khó bén rễ, gió mạnh dễ quật đổ, nắng hạn kéo dài càng khiến việc giữ rừng thêm gian nan. Nhiều nơi phải trồng đi trồng lại không biết bao nhiêu lần.
Với đường bờ biển dài hơn 116 km, Quảng Bình không chỉ sở hữu tiềm năng dồi dào về thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo, mà còn là vùng đất chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Những cánh rừng ven biển ở đây với chức năng chắn cát, chắn gió, sóng biển, điều hòa khí hậu trở thành tuyến phòng thủ sinh thái không thể thay thế.
Khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình, gồm huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, có dải rừng ven biển hẹp, chủ yếu là phi lao trên 15 năm tuổi. Rừng nằm gần bờ biển, phát triển tương đối tốt, vừa tạo cảnh quan môi trường vừa đóng vai trò phòng hộ, ngăn xâm thực và che chắn gió bão cho khu dân cư. Ở khu vực ven biển phía Nam thuộc TP Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có địa hình tương đối rộng, nhiều cồn cát cao, xen lẫn vùng trũng thấp ngập nước vào mùa mưa nên rừng trồng ven biển chủ yếu là keo, phi lao thấp...
Giữ rừng bằng mọi giá
Theo thống kê, toàn vùng ven biển tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 24.365 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng gần 19.192 ha, trải dài qua 29 xã giáp biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ ven biển đã suy giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là việc cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ven biển sang đất khác để xây dựng các dự án đầu tư như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, khu dân cư, hay trung tâm điện gió. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng còn bị thiệt hại do cháy vào mùa khô. Đặc biệt, nhiều dự án chưa thực hiện trồng lại rừng thay thế theo quy định khiến lớp "áo giáp xanh" ven biển nơi đây ngày càng trở nên mong manh.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Bình đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng tại các xã ven biển, đặc biệt là ngăn chặn hành vi chặt phá, đào bới cây rừng, nhất là việc đào phi lao làm cây cảnh. Để ứng phó với nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô hằng năm, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các địa phương và chủ rừng sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), bố trí lực lượng ứng trực phù hợp với tình hình thực tế và xây dựng phương án PCCCR cấp xã, chủ rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Tuy nhiên, các vụ cháy rừng vẫn tiếp tục xảy ra, chủ yếu tập trung ở khu vực rừng ven biển phía Nam tỉnh.
Ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết nhiều năm nay, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm triển khai trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đồng thời vận động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do đặc điểm rừng ven biển phân tán, nhiều khu nằm xen kẽ giữa đường giao thông, nghĩa địa, khu dân cư… nên công tác bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn; đặc biệt trong những đợt cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động đỏ.
Mới đây, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển. Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất kiện toàn lại các đơn vị quản lý tổng thể vùng rừng ven biển phía Nam, nhằm tăng cường hiệu quả điều phối, giám sát và bảo vệ rừng.
Theo ông Lâm, câu chuyện bảo vệ rừng ven biển giờ đây không còn là nhiệm vụ riêng của ngành lâm nghiệp. Đó là trách nhiệm chung, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp, sự đồng lòng của người dân và cả sự cân nhắc cẩn trọng từ phía các nhà đầu tư. "Giữ rừng ven biển là giữ sinh kế, giữ môi trường sống bền vững"- ông Lâm nhấn mạnh.
Quan điểm của tỉnh là kiên quyết không cho phép chuyển đổi đất rừng nếu chưa có phương án trồng rừng thay thế tương xứng.
Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, trong giai đoạn tiếp theo, Dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển" - triển khai từ năm 2020 sẽ tập trung đầu tư các nội dung trọng điểm quản lý, bảo vệ 1.050 ha rừng phòng hộ trên cát và rừng ngập mặn ven sông; trồng mới hơn 209 ha rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; phục hồi 385 ha rừng đã suy thoái. Đồng thời, dự án cũng xây dựng một số công trình chống xói mòn và hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống trong vùng dự án.
Bình luận (0)