Chỉ khi quá trình tháo dỡ căn nhà cũ nằm trên Quốc lộ 50 (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) hoàn tất, chị Đỗ Thị Hương, nhân viên y tế Trường Tiểu học Hoàng Minh Đạo (quận 8, TP HCM), mới trút được mối lo suốt nhiều năm qua. Chỉ một tháng nữa, vợ chồng chị sẽ không còn phải đi ở nhờ.
Hết lo... nhà sập
Căn nhà cũ của vợ chồng chị Hương vốn được dựng trên nền đất yếu, vá chằng vá đụp bằng nhiều thứ vật liệu xây dựng. Do nền nhà thấp hơn mặt đường nên khi có mưa hay triều cường là nước ngập cao hơn nửa căn nhà, ẩm thấp lâu ngày dẫn đến các cột nhà bị mối mọt, vách lá rách bươm, căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Do thu nhập của chị quá thấp (khoảng 4 triệu đồng/tháng) trong khi đồng lương bảo vệ của chồng cũng chỉ 5 triệu đồng/tháng, nên dù chi tiêu dè sẻn lắm thì họ cũng không có dư, ước mơ sửa nhà vì thế đành gác lại. Không muốn cứ phải sống trong cảnh bất an mà cũng không đủ tiền thuê trọ nên vợ chồng chị quyết định xin vào ở nhờ tại chốt bảo vệ của công ty chồng.
Dù gặp nhiều bất tiện do khu vực sinh hoạt chung nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Đi ở nhờ nhưng chị Hương vẫn rất lo lắng nhà của mình sập sẽ gây nguy hiểm đến những người xung quanh. Do vậy, khi Công đoàn trường hướng dẫn làm hồ sơ xin hỗ trợ từ chương trình "Mái ấm Công đoàn", chị rất phấn khởi.
Điều chị không ngờ tới là ngoài 60 triệu đồng từ chương trình "Mái ấm Công đoàn", chị còn được Tổ chức Tài chính vi mô CEP Chi nhánh quận 8 giúp thêm 40 triệu đồng. "Hay tin, tôi mừng đến mất ăn mất ngủ. Với 100 triệu đồng, vợ chồng tôi vay mượn thêm một ít để sửa lại nhà. Nghĩ đến việc sắp được ở trong căn nhà mới là tôi cứ nôn nao. Cảm ơn tổ chức Công đoàn đã giúp gia đình tôi an cư" - chị Hương xúc động nói.
Tương tự chị Hương, nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Nước - nhân viên Văn phòng UBND phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM - cũng lo nơm nớp khi sống trong căn nhà gỗ có trên 30 năm tuổi tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP HCM. Nơi ở của đại gia đình gần 10 nhân khẩu (gồm ông bà, anh chị em cùng con cháu) giờ đã bị mối mọt, mục ruỗng trầm trọng lại hay bị mưa ngập, có thể sập bất cứ khi nào.
Dù biết có thể rủi ro khi phải sống trong căn nhà đã xuống cấp nhưng do thu nhập của anh và vợ (là giáo viên) quá thấp trong khi 2 con còn nhỏ, nên gia đình anh cứ gác lại chuyện xây nhà từ năm này qua năm khác. Mới đây LĐLĐ quận 7 đã hỗ trợ gia đình anh 60 triệu đồng để sửa nhà. Đến nay, căn nhà mới (rộng 80 m2) đã dần thành hình. Dù hiện tại cả gia đình phải sống trong căn chòi tạm sát nhà nhưng ai cũng tràn đầy hy vọng.
Ổn định cuộc sống lâu dài
Ngoài anh Nước, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, công nhân Công ty TNHH Corsair Marine International (quận 7), cũng vừa đón nhận niềm vui lớn khi được LĐLĐ quận 7 hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng để sửa sang lại nhà.
Mái ấm nhỏ (diện tích 28 m2) của chị Phượng nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, xây dựng đã lâu, đến nay đã xuống cấp. Tuy nhiên, với tổng thu nhập gần 10 triệu đồng/ tháng lại đang nuôi con nhỏ và phụ chăm đứa cháu bị bệnh tâm thần nên vợ chồng chị Phượng đành chấp nhận sống chung với tình trạng mưa ngập, mái dột, tường mốc meo vì thấm nước.
Để tránh hư hại do nước ngập, tất cả đồ dùng, thiết bị trong nhà đều được vợ chồng chị kê lên cao. Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa là chị lại sống trong tâm trạng lo lắng. Mong ước lớn nhất của chị là có tiền sửa lại nhà để cuộc sống của các con được tốt hơn. Vì vậy khi được LĐLĐ quận 7 giúp sức, chị xúc động đến rơi nước mắt. "Với khoản tiền hỗ trợ, tôi sẽ nâng nền, lợp lại mái tôn và chống thấm cho căn nhà. Hy vọng công trình sẽ hoàn thiện trước khi mùa mưa tới để gia đình có thể ngủ ngon giấc" - chị Phượng nói.
Nhiều năm qua, anh Trần Trung Ngọc, nhân viên bếp Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên (quận Gò Vấp, TP HCM), cũng sống trong tâm trạng bất an mỗi khi mùa mưa về, bởi căn nhà tạm bợ với mái tôn, vách lá (ở ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) không thể chống chọi với mưa bão.
Vợ anh Ngọc là công nhân may nên đồng lương bấp bênh trong khi các con còn quá nhỏ, dù cố gắng sống tằn tiện thì họ cũng không có tích lũy. Khi được ban giám đốc công ty và LĐLĐ quận Gò Vấp thông báo hỗ trợ tiền để cất nhà, anh bồi hồi xúc động. Ngày khởi công xây dựng nhà mới, tất cả thành viên trong gia đình vẫn không dám tin đây là sự thật. "Mỗi ngày, được ngắm nhìn ngôi nhà sắp hoàn thành, cảm xúc của tôi rất khó tả. Tôi thực sự rất biết ơn tổ chức Công đoàn và ban giám đốc công ty đã giúp đỡ để gia đình tôi có chỗ ở đàng hoàng" - anh Ngọc bày tỏ.
"An cư là mong ước của tất cả đoàn viên - lao động gặp khó khăn về chỗ ở. Tăng tốc thực hiện chương trình "Mái ấm Công đoàn", LĐLĐ quận mong muốn giúp họ có được một nơi ở an toàn, hạnh phúc qua đó tiếp thêm động lực giúp họ vươn lên" - ông Võ Khắc Bình - Chủ tịch LĐLĐ quận 7, TP HCM - khẳng định.
Bình luận (0)