Ngành nông nghiệp đang triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Với đề án này, nông dân không chỉ thu được gạo mà còn bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo các chuyên gia, mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ có một lượng hạn ngạch phát thải khí carbon nhất định. Nếu không sử dụng hết hạn ngạch được cấp phép có thể bán lại cho quốc gia, tổ chức có lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được phép. Đối với ngành nông nghiệp nước ta, nếu nông dân sản xuất giảm phát khí thải nhà kính thấp, không sử dụng hết hạn ngạch thì có thể bán cho các quốc gia, tổ chức khác thu về tài chính.
Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon. Với đề án này, Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1 ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon, 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm, một con số không nhỏ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận.
Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải tại ĐBSCL là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Đạt được chứng chỉ carbon, thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ tăng lên. Sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Bằng việc tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật, thực hiện tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, nông dân vừa có cơ hội nâng cao thu nhập qua việc bán tín chỉ carbon, vừa đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo đảm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết trong vụ hè thu này, các cơ quan liên quan được yêu cầu thí điểm ngay 5 mô hình tín chỉ carbon (50-100 ha/mô hình) tại các tỉnh, thành: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang. Đến tháng 8-9 năm nay, các địa phương tiếp tục triển khai thêm vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025. Từ 3 mùa vụ sản xuất lúa thực tế, Bộ NN-PTNT sẽ phê duyệt kế hoạch hệ số giảm phát thải.
Ngoài các tỉnh, thành nói trên, một số địa phương cũng nghiên cứu bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa kỹ thuật mới như Đắk Lắk hoặc triển khai dự án hợp tác phát hành tín chỉ carbon trong sản xuất lúa tại Nghệ An…
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 biến lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. "Trong 3 biến đó thì biến chuyển xu thế tiêu dùng mới là cái quyết định, người tiêu dùng hiện nay đã chú trọng sử dụng sản phẩm được sản xuất phải thân thiện với môi trường, không gây ra hiệu ứng biến đổi khí hậu hoặc đánh đổi bằng đa dạng sinh học, bằng sức khỏe của cộng đồng" - ông Lê Minh Hoan nói…
Việc bán tín chỉ CO2 thông qua đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam cũng là cơ hội để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân.
Bình luận (0)