"Phải biết nói xạo, không lanh là không có ăn", "Phải tỏ ra bệnh sắp chết người ta mới thương", "Cho gì có 10.000 đồng, không đủ mua ly nước uống nữa. Cầm đi mua tờ vé số cho rồi"… là những lời lẽ những người chờ quà từ thiện càm ràm hoặc mách nước cho nhau.
Điều này thoạt nghe có vẻ bất ngờ song ngẫm lại thì không lạ. Bởi, đó đa số là những cá nhân không thật sự cơ nhỡ khi người ở chung cư, người sống tại mặt tiền đường. Họ coi quà từ thiện từ mì tôm, nước suối, cháo đến những thứ giá trị khác như một thành quả làm ăn buổi tối và quy ngay ra tiền thông qua việc bán lại...
Sự tỏ vẻ bất hạnh để trục lợi tình thương ấy rất không tốt cho cảm xúc xã hội mà trực tiếp là người làm từ thiện, những ai yêu quý sự thành thật.
Nó cũng gây xáo trộn mạch nguồn nhân ái khi lòng trắc ẩn không chảy đúng về những số phận thật sự khó khăn. Đó cũng đồng thời khiến cái nhìn của du khách có thể nhuốm màu nghi hoặc về một đô thị đang nỗ lực chăm lo cho thành phần yếu thế.
Hiện tại, về mặt trách nhiệm, cơ quan chức năng chỉ có thể đưa những hoàn cảnh thiếu nhà cửa, không người thân, hụt phương tiện kiếm sống về cơ sở bảo trợ xã hội.
Cơ quan chức năng chưa thể can thiệp câu chuyện ăn mặc rách rưới, dáng vẻ bệnh tật ngửa tay nhận quà… nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt khi quy định chưa có thì rất khó.
Tuy nhiên, khó không đồng nghĩa với bất lực. Bằng biện pháp rà soát nhằm làm rõ từng thân phận, bằng sự tuyên truyền nhằm khuyến cáo những nghĩa cử có thể trao gửi nhầm địa chỉ cũng như tác động tới lòng sĩ diện của những ai coi ăn xin là "nghề tay trái", bằng sự thường xuyên tuần tra địa điểm lý tưởng của giới "giả hành khất"… thì kết quả chắc chắn sẽ không tồi.
Trên quan điểm giá trị về tình thương, tinh thần nhân văn, tính văn minh của đô thị không được phép bị tổn thương…, chính quyền bằng tâm huyết của mình chắc chắn sẽ có hướng giải cụ thể và khoa học hơn cho bài toán về trục lợi tình thương!
Bình luận (0)