xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ khó cho kinh tế báo chí

MINH CHIẾN

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu, xem xét các đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn về kinh tế báo chí trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí

Ngày 14-6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số". Nhiều vấn đề nóng mà báo chí quan tâm được bàn thảo tại hội thảo này.

Doanh thu quảng cáo sụt giảm

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh kinh tế báo chí góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm mạnh về doanh thu, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định. Chẳng hạn như vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, chi thường xuyên hằng năm cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Trình bày tham luận về kinh tế báo chí, hành trình đi từ truyền thống tới kỷ nguyên số, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - chỉ rõ ngoài doanh thu từ quảng cáo và thu phí nội dung từ bạn đọc, nhiều cơ quan báo chí tập trung vào việc tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội và nền tảng công nghệ để tạo nguồn thu. Nếu có đối tác tốt và bộ phận vận hành ổn, mảng tổ chức sự kiện có thể đem lại trên 20% doanh thu cho cơ quan báo chí.

Khái quát của ông Lê Quốc Minh về các hình thức tăng nguồn thu trên cơ sở nghiên cứu cách làm của một số cơ quan báo chí trên thế giới như tổ chức sự kiện, tổ chức nghiên cứu, bán dữ liệu lớn, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin..., gợi mở cho các cơ quan báo chí trong nước để tìm ra hướng đi tăng doanh thu.

Vấn đề khó khăn về kinh tế báo chí được bàn thảo tại hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”Ảnh: HOÀNG LINH

Vấn đề khó khăn về kinh tế báo chí được bàn thảo tại hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”Ảnh: HOÀNG LINH

Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng

PGS-TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận việc làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, là một bài toán khó giải quyết trong một sáng một chiều.

Theo PGS-TS Bùi Chí Trung, có nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền. Vì thế, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Cũng theo ông Trung, để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Đồng tình ý kiến này, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị. Ngoài ra, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các bộ, ngành chức năng cần xem xét chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho báo chí.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định thời gian qua, Bộ TT-TT đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ, phát triển báo chí, trong đó có vấn đề giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí, bao gồm việc sửa đổi, cải cách thể chế. Các đề xuất, kiến nghị tại hội thảo sẽ được Bộ TT-TT tiếp thu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí.

Về vấn đề "đặt hàng báo chí" được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết đây là nội dung quan trọng đang được xem xét để có cơ chế. Bộ TT-TT khuyến khích cơ quan mạnh dạn đặt hàng báo chí nhiều và đa dạng hơn nữa. "Các cơ quan báo chí có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng trên đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó" - ông Lâm gợi ý.

Về vấn đề giải quyết bài toán kinh tế báo chí như các đại biểu đặt ra, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh không có mô hình kinh tế báo chí nào phù hợp cho tất cả cơ quan báo chí. Do đó, các cơ quan báo chí cần linh hoạt thay đổi về quản trị, thay đổi cách làm báo phù hợp, thay đổi trong từng sản phẩm báo chí. Bộ TT-TT khuyến khích, đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí đưa ra mô hình mới để kinh doanh sản phẩm báo chí. 

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá trong bối cảnh còn khó khăn, các cơ quan báo chí đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp để tăng doanh thu. Đặc biệt, thu phí nội dung trên báo điện tử hiện đã có 5 cơ quan báo chí triển khai, gồm: Báo điện tử VietnamPlus, Báo VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao Động, Báo Tuổi Trẻ.

Nhà báo NGÔ VIỆT ANH, Phó trưởng Ban Nhân dân Điện tử, Báo Nhân Dân:

Cần có cơ chế đặt hàng truyền thông chính sách

Báo chí Việt Nam là nền báo chí đặc thù, do đó, việc vận hành kinh tế, kinh doanh báo chí cũng sẽ có những yếu tố đặc thù. Theo đó, cần có cơ chế "đơn đặt hàng" truyền thông chính sách từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước để tăng nguồn thu.

Ngoài ra, để đẩy mạnh kinh tế báo chí, bản thân các cơ quan báo chí cũng cần tạo ra các giá trị khác biệt.

TS - nhà báo ĐỒNG MẠNH HÙNG, Trưởng Ban Thư ký Biên tập - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV):

Rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế

Luật Báo chí hiện hành cũng như các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể về kinh tế báo chí, đặc biệt là kinh tế số trong hoạt động báo chí, mà mới chỉ có quy định về nguồn thu của báo chí. Trong khi đó, mỗi cơ quan báo chí đang thực thi nhiệm vụ kép, đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm kinh tế, cả kinh doanh, để tồn tại.

Vì thế, để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần có những quy định cụ thể của Luật Báo chí về các sản phẩm báo chí: cái nào được coi là hàng hóa và cái nào là sản phẩm tuyên truyền. Cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động.

PGS-TS ĐẶNG THỊ THU HƯƠNG, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội:

Phát triển các mô hình kinh doanh mới

Báo chí ngày nay đối diện với những thuận lợi và thách thức trong việc đi tìm mô hình phát triển kinh tế mới. Hiện trên thế giới có một số mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới trong bối cảnh chuyển đổi số, như: mô hình kinh doanh trực tuyến; mô hình kinh doanh đa nền tảng; mô hình kinh doanh dữ liệu lớn; mô hình kinh doanh dựa trên việc việc bán "quyền tiếp cận" hơn là "quyền sở hữu"…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến và nền tảng di động, các cơ quan báo chí truyền thông cần tái cơ cấu về tổ chức và hoạt động để thích ứng với logic phát triển kinh tế của môi trường truyền thông kỹ thuật số. Bên cạnh đó, sự hiểu biết cụ thể, kỹ lưỡng về thói quen và nhu cầu của công chúng cũng như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với độc giả cũng cần xem là chiến lược trọng tâm của các cơ quan báo chí để phát triển các mô hình kinh doanh mới.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo