Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là dịp để mỗi gia đình sum vầy bên nhau, cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống đầy ý nghĩa.
Hương vị của yêu thương
Trong mỗi gia đình Việt Nam, bữa cơm Tết luôn mang một nét đẹp riêng, không chỉ bởi sự phong phú trong món ăn mà còn bởi tình cảm gia đình đong đầy qua từng công đoạn chuẩn bị. Bất kể miền Bắc, Trung hay Nam, bữa cơm Tết không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, giò chả, nem rán…
Hình ảnh cả gia đình quây quần bên bếp lửa, cùng nhau gói bánh, canh nồi bánh suốt đêm đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của nhiều người.
Bà Nguyễn Thị Minh (70 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo mẹ gói bánh chưng, đến giờ vẫn giữ thói quen này. Mỗi năm, con cháu lại về phụ giúp, cùng nhau gói từng chiếc bánh, nấu nướng trong tiếng cười nói rộn ràng”.
Gian bếp ngày Tết không chỉ là nơi chế biến các món ăn mà còn là không gian kết nối tình cảm gia đình. Ở đó, mẹ dạy con cách gói bánh, bà hướng dẫn cháu làm mứt gừng, chị em cùng nhau nấu nướng, chuyện trò. Đó là những khoảnh khắc quý giá, giúp Tết trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
"Hồi nhỏ tôi không để ý nhiều đến việc nấu ăn nhưng khi lớn lên, đi làm xa nhà, mỗi lần Tết về thấy mẹ lụi cụi nấu từng món, tôi mới hiểu được tình yêu thương của mẹ gửi gắm hết vào đó. Năm nay, tôi chủ động vào bếp cùng mẹ, tự tay nấu món canh bóng mà mẹ thích, chỉ mong mẹ vui”- anh Huỳnh Lộc (30 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam) kể.
Với chị Thanh Hà (TP Thủ Đức, TP HCM), dù bận rộn thế nào, chị vẫn cố gắng dành thời gian tự nấu những món ăn truyền thống cho gia đình.
"Tôi tin rằng, khi mình bỏ công sức ra làm, từng món ăn sẽ mang một hương vị đặc biệt, không chỉ ngon miệng mà còn ấm áp tình thân”- chị Hà nói.
Lời chúc năm mới đầy ý nghĩa
Mỗi món ăn trên mâm cỗ Tết không chỉ là thức ăn mà còn mang ý nghĩa may mắn, bình an.
Theo đó, bánh chưng, bánh tét tượng trưng cho sự vuông tròn, ấm no, biết ơn trời đất. Thịt kho tàu thể hiện sự sum vầy, trọn vẹn của gia đình. Dưa hành, củ kiệu giúp món ăn thêm đậm đà, cũng là biểu tượng cho sự tươi mới, khởi đầu tốt lành. Màu đỏ của xôi gấc là sự mong cầu may mắn, gặp nhiều điều tốt đẹp. Hay gà luộc tượng trưng cho sự khởi đầu hanh thông, vững vàng…
Mỗi vùng miền có cách chế biến riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nhưng tựu trung vẫn là gửi gắm tình cảm vào từng món ăn.
Một bà mẹ nấu nồi thịt kho tàu theo khẩu vị của con, một người vợ chuẩn bị món ăn chồng yêu thích, hay một cô con gái học cách gói bánh chưng từ cha… Tất cả những điều ấy chính là sự quan tâm, yêu thương lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa.
Nấu ăn ngày Tết cũng là một cách lưu giữ truyền thống gia đình. Những bí quyết nấu ăn, những món ăn đặc trưng của từng gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những giá trị không thể thay thế.
"Tết không chỉ là thời gian để tận hưởng những món ăn ngon mà còn là dịp để bày tỏ tình cảm với những người thân yêu. Một đứa con xa quê về nhà phụ mẹ nấu nướng, một người chồng phụ vợ chuẩn bị bữa cơm, một đứa trẻ học cách bày mâm cỗ – tất cả những điều ấy làm nên một cái Tết ý nghĩa”- chị Mỹ Hạnh (45 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) phân tích.
Cũng vì vậy mà khi đặt từng món ăn lên mâm; người ta không chỉ thấy hương vị của thức ăn mà còn cảm nhận được hơi ấm gia đình, sự sum họp, đoàn viên. Đó mới chính là giá trị thực sự của những món ăn ngày Tết.
“Cuộc sống hiện đại đôi khi làm người ta quên mất những giá trị giản dị nhưng sâu sắc. Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, mà còn là dịp để gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau chuẩn bị những bữa cơm đong đầy tình cảm.
Những món ăn ngày Tết không chỉ là truyền thống, mà còn là cầu nối gắn kết yêu thương giữa các thế hệ, để mỗi người, dù đi đâu, cũng luôn nhớ về bếp nhà, nhớ về tình thân”- bà Nguyễn Thị Hai (75 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) đúc kết.
Bình luận (0)