Tuy nhiên, cùng thời điểm này, kinh tế thế giới lại xấu đi một cách nhanh chóng, ít nhiều ảnh hưởng đến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Năm 2023, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ xu hướng suy giảm của kinh tế thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao và xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu xuống thang. Trong nước, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là một thách thức lớn bởi áp lực chống lạm phát khiến cơ quan quản lý có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất và doanh nghiệp không tiếp cận được vốn.
Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ có thể phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn mục tiêu 4,5% và nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc không quá thắt chặt như hiện nay. Chính sách tỉ giá cần tiếp tục được điều hành linh hoạt, không nên can thiệp quá sâu bằng công cụ hành chính. Bên cạnh đó, nên nới lỏng và kéo dài thời gian áp dụng các chính sách tài khóa ít nhất đến năm 2025 bởi đây là "phao cứu sinh" duy nhất đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Quan trọng hơn cả vẫn là bài toán cải cách thể chế. Chúng ta đã tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc cắt bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh trong những năm qua. Song, chúng ta lại xây dựng thêm hàng trăm điều kiện kinh doanh khác thông qua việc cho ra đời các luật, nghị định, thông tư. Như thế, chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ. Cần cấp bách cải cách tư duy theo hướng nhận thức rõ những rào cản hiện nay không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở luật nội dung. Chẳng hạn, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản... với nhiều nội dung trùng lặp, chồng chéo đã gây ra tắc nghẽn trong huy động nguồn lực đầu tư, kể cả đầu tư công. Cải cách thể chế bằng việc sửa đổi luật nội dung là vấn đề rất khó; cần phải đánh giá, rà soát một cách có hệ thống, tránh vụn vặt...
Những năm trước đây, trọng tâm của đột phá thể chế là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định trọng tâm đột phá thể chế là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực trên nguyên tắc thị trường. Đây là cách xác định hoàn toàn chính xác.
Cải cách thể chế không nên tiếp cận theo hướng cải cách hành chính mà phải cải cách tư duy. Cần tư duy theo thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản, để thị trường quyết định những gì thị trường tự điều chỉnh được. Nên bỏ loại hình "thông tư" như một cách giảm phát sinh điều kiện, quy định với doanh nghiệp. Đồng thời, nên bỏ thanh tra ngành, thanh tra theo kế hoạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tránh bị xáo trộn. Thay vào đó, rất cần sự phát triển của hệ thống tòa án để các bên tự phát huy quyền của mình.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)