Sự kỳ vọng có được một đạo luật chất lượng, khai phóng những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai đặt trọng trách nặng nề lên vai Quốc hội. Sự trông chờ quy trình xác định giá đất phải công khai, minh bạch, thống nhất và gắn liền với trách nhiệm giải trình nhằm phản ánh đúng bản chất của giá đất khiến cho Quốc hội phải kỹ lưỡng, thận trọng trong việc bấm nút thông qua đạo luật quan trọng này.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) là một văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng bởi có sự tác động đến hơn 37 luật có liên quan. Do dự án Luật Đất đai có mối quan hệ mật thiết với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên việc Quốc hội xem xét thông qua cả 3 dự án luật cùng thời điểm (trong kỳ họp thứ 6) là điều hợp lý.
Tuy nhiên, tính hợp lý này chỉ có thể đạt được khi nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật có sự tương thích, thống nhất với nhau bởi bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật là nguyên tắc rất quan trọng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nói như vậy có nghĩa bất kỳ sự cưỡng cầu nào mang tính "chín ép" đều có thể dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.
Tính đến kỳ họp thứ 6 thì Quốc hội đã thảo luận lần thứ ba tại 3 kỳ họp khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận đến lần thứ hai tại 2 kỳ họp khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tuy đã đến lần thảo luận thứ ba tại 3 kỳ họp nhưng dự án Luật Đất đai vẫn còn quá nhiều quan điểm khác nhau mà chưa có phương án tối ưu giải quyết. Cụ thể, dự án luật có 20 nội dung có 2 phương án điều chỉnh và 2 nội dung có 3 phương án điều chỉnh. Điều này chứng tỏ Ban soạn thảo vẫn rất băn khoăn với những nội dung mà do chính mình đưa ra. Các vấn đề lớn như "Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", "tài chính đất đai", "quản lý giá đất"... vẫn chưa rõ ràng.
Theo điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thông thường Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp. Tuy dự án Luật Đất đai đã được thảo luận, xem xét tại 3 kỳ họp nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong trường hợp Quốc hội cân nhắc chưa thông qua dự án Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 6 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thực hiện quyền đề nghị để Quốc hội xem xét, quyết định trong những kỳ họp sau theo khoản 6 điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với một đạo luật rất quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, việc soạn thảo dự án Luật Đất đai không tránh khỏi sự đa dạng quan điểm. Do đó, dự án luật này cần được nghiên cứu, soạn thảo kỹ lưỡng cũng như bảo đảm tính cẩn trọng, hài hòa lợi ích trong quyết định thông qua cuối cùng bởi chính Quốc hội mới là cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước.
Bình luận (0)