Diễn biến này tất nhiên ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.
Tâm lý chung là khi biết trước giá tăng, người tiêu dùng sẽ tích trữ và thương nhân sẽ găm hàng. Khi cây xăng treo biển "Hết xăng" hoặc "Không bán" thì càng khiến người dân đổ xô đi lùng mua, vì lo giá sẽ cao nữa, bởi sợ sẽ không còn nhiên liệu để dùng, từ đó gây nên cảnh lộn xộn.
Trước tình huống như vậy, công cụ để giải quyết chính là biện pháp chế tài và cách thức truyền thông.
Đối với hành vi găm hàng tạo khan hiếm ảo để trục lợi, có 2 hình thức chế tài là phạt hành chính và truy cứu hình sự. Theo Nghị định 67/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực xăng dầu, tùy mức độ vi phạm mà mức tiền phạt có thể lên đến 40 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh. Theo Bộ Luật Hình sự, khi có dấu hiệu phạm tội "Đầu cơ" thì người vi phạm bị phạt tù, kèm phạt tiền khá nặng, mức cao nhất là 9 tỉ đồng, kèm một số chế tài. Trên cơ sở đó, ngành công thương đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện, xử lý một số trường hợp găm hàng trái quy định.
Chế tài mới là một mặt, phần quan trọng còn lại là phải truyền thông đến người dân đúng lúc, đúng vấn đề họ quan tâm. Thực tế cho thấy chỉ có vài trường hợp găm hàng mà thôi, con số này quá ít so với hệ thống phân phối cả hàng chục ngàn cửa hàng xăng dầu trên cả nước, thế nhưng vì sao thông tin tiêu cực vẫn cứ lan nhanh và gây lo lắng? Đó là vì các bộ, ngành hữu quan chậm lên tiếng trấn an và đưa tin chính thức đến người dân. Chúng ta không hụt nguồn cung xăng dầu, kho xăng dầu dự trữ còn đầy, an ninh năng lượng quốc gia vẫn bảo đảm và số ít trường hợp vi phạm đã bị xử lý - những nội dung này phải được công bố kịp thời bằng số liệu cụ thể thì mới vừa an dân vừa giúp công tác quản lý điều hành được thuận lợi.
Tình hình chính trị thế giới liên quan đến giá nhiên liệu sẽ còn phức tạp. Những tình huống tiếp theo hoàn toàn có thể dự liệu được; do vậy, đừng một lần nữa chậm chân...
Một vấn đề thời sự khác, cũng liên quan đến tâm lý đám đông, có là biến chứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 mũi tăng cường. Tổ chức Y tế thế giới, các hãng dược sản xuất và cung ứng vắc-xin, Bộ Y tế Việt Nam... trước đó đều đã khuyến cáo về một số biến chứng có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2, mũi 3. Y khoa đã nêu rõ như vậy để biết trước nhưng khi tại nước ta xảy ra vài trường hợp gặp chuyện không may thì một đồn mười, mười đồn trăm..., thế là gây hoang mang.
Số trường hợp có biến chứng rất ít, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm, đến nay đã 192 triệu liều tại Việt Nam. Hiệu quả to lớn của vắc-xin là không thể phủ nhận và Tổ chức Y tế thế giới đặt kỳ vọng đến giữa năm 2022, các quốc gia toàn thế giới tiêm phủ được 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Cho nên, đã biết tâm lý "bầy đàn" sẽ gây hậu quả xấu thì phải chủ động chặn và biết cách chặn. Bài học rút ra là hãy luôn "đi trước một bước"!
Bình luận (0)