Sở dĩ có động thái này là do có tình trạng nhiều người chen lấn, xô đẩy tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để chờ làm hồ sơ, giấy tờ liên quan đến đất đai.
Theo ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chơn Thành, mỗi ngày đơn vị này giải quyết khoảng 500 hồ sơ đất đai, trong khi người dân đi làm thủ tục rất đông nên số lượng hồ sơ giải quyết chỉ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu.
Một huyện như Chơn Thành, dân số chỉ 111.056 người (theo công bố năm 2020 của huyện này), lao động trên địa bàn chủ yếu là phi nông nghiệp tập trung ở một loạt các khu công nghiệp như Minh Hưng - Hàn Quốc, Minh Hưng III, Chơn Thành I, II, Becamex... thì liệu người dân có nhu cầu đi làm thủ tục liên quan đến đất đai nhiều đến mức Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chơn Thành mỗi ngày giải quyết khoảng 500 hồ sơ mà vẫn quá tải?
Chắc chắn là không. Vậy thì thực chất là gì?
Nhớ đầu năm 2021, khi rộ lên thông tin quy hoạch sân bay Téc-níc Hớn Quản (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), chỉ trong vài ngày đã có hàng trăm người đổ xô về đây "lướt sóng" kiếm lời, tạo nên "cơn sốt" đất ảo khiến giá đất tăng chóng mặt, thậm chí tăng theo giờ.
Tiếp đó, cũng tại Bình Phước, từ ngày 21 đến 23-3-2022, hàng trăm "cò đất" cùng nhiều ôtô từ Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai... ùn ùn kéo về đứng dọc hai bên tuyến đường ĐT.753 (đoạn qua xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) lùng mua đất ở khu vực vừa được Thủ tướng khảo sát để xây cầu Mã Đà. Giá đất lập tức tăng vọt, một lô có thể qua tay 2-3 chủ chỉ trong một ngày.
Chưa bao giờ trên khắp các tuyến đường ở tỉnh Bình Phước lại nhan nhản tình trạng người dân, doanh nghiệp tự phát lập các điểm môi giới, buôn bán bất động sản, như thời gian gần đây. Nhiều người vui vì thắng lớn, trúng quả và cũng nhiều người tán gia bại sản vì lao vào "cơn sốt" đất, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Chuyện xảy ra ở Bình Phước chính là hệ quả của việc phân lô bán nền tràn lan, thiếu kiểm soát. Đây là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là những nơi có thông tin về quy hoạch mở các tuyến đường, dự án. Rất nhiều vùng đất nông nghiệp hoặc đất sử dụng cho các mục đích khác đang được các "cò đất" tranh thủ biến tấu để phân lô bán nền; cũng không loại trừ có những cán bộ các địa phương đang tiếp sức cho việc phân lô bán nền để kiếm lợi.
Cho nên, nếu cứ thấy nhu cầu giao dịch tăng mà chính quyền phải tăng cường cán bộ, thành lập hết tổ công tác nọ đến tổ công tác kia để giải quyết tình trạng quá tải trong giao dịch công thì chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Bản chất vấn đề quá tải này không nằm ở chỗ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc phục vụ người dân, mà là ở chỗ trật tự trong giao dịch đất đai - chính là "cơn sốt" phân lô bán nền.
Không giải quyết từ cái gốc của vấn đề thì văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương vẫn rơi mãi vào tình trạng quá tải.
Bình luận (0)