Nghị quyết lần này được nhiều ý kiến ví von là "cơ hội vàng" vì có sự đồng thuận cao từ cấp cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể hiện cụ thể qua các Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững Đông Nam Bộ; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm...
Các phát biểu chỉ đạo, ủng hộ, động viên của các lãnh đạo, cũng như những thực tiễn phát triển của TP HCM trong 10 năm vừa qua đã thể hiện rất rõ các "điểm nghẽn", "điểm rối" kéo dài nhiều năm cũng như chỉ ra những định hướng mà thành phố cần hướng tới. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn quan trọng để TP HCM tự tin cụ thể hóa những chủ trương lớn này thành các cơ chế, chính sách rõ ràng trình Quốc hội cho ý kiến nhằm ban hành một nghị quyết mới.
Trong các biện pháp căn cơ, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với nguyên tắc gỡ rối, gỡ nghẽn - kiến tạo, thí điểm cái mới là cần thiết. Những cơ chế đặc thù mới kích hoạt để không chỉ cho TP HCM phát triển mà nhìn trong bối cảnh cả vùng, khu vực nên sẽ kiến tạo, thí điểm những cái mới mà thế giới đã làm, đang làm như xây dựng đô thị dựa trên các tuyến giao thông, khởi nghiệp sáng tạo, sandbox…
Quan trọng hơn với TP HCM, một khi suy giảm tăng trưởng ở mức có giới hạn và không thể cho phép có độ lùi hơn nữa, đồng nghĩa với việc phải kích hoạt mọi nguồn năng lượng lẫn năng lực ứng phó thì nghị quyết mới lại chính là "phép thử". Và "phép thử’ này quyết định sự chuyển động để đổi chiều tăng trưởng trong thời gian tới. Chỉ nói riêng về tính thí điểm của cơ chế đặc thù, không ít nội dung trong nghị quyết mới (nếu được thông qua và áp dụng), thành phố sẽ là địa phương thí điểm đầu tiên trong và cho cả nước.
Nếu cho rằng "chiếc áo" mà TP HCM đang mặc đã quá chật thì nghị quyết mới sẽ là minh chứng cho sự tinh xảo của nghệ nhân - quản trị thành phố. Mà yếu tố cốt lõi là bản lĩnh vượt khó, "dám nghĩ dám làm", nghĩ đúng làm trúng, làm đến cùng vì sự phát triển chung. Chỉ nói riêng về tính thí điểm của cơ chế đặc thù, không ít nội dung trong nghị quyết mới (nếu được thông qua và áp dụng), thành phố sẽ là địa phương thí điểm đầu tiên trong/cho cả nước.
Cuối cùng, một nghị quyết mang tính thí điểm về cơ chế đặc thù nên bản lĩnh của người lãnh đạo, của nhà quản lý, của đội ngũ cán bộ thực thi và cả sự đồng thuận của nhân dân sẽ đóng vai trò quyết định thành bại sau 5 năm. Điều này, nghị quyết mới đã có một "điểm rơi" thuận lợi khi đã có Kết luận 14 dẫn đường. Nếu căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm là một trong những nguyên do đẩy đến sự trì trệ của bộ máy công vụ; làm suy giảm chỉ số năng động, sáng tạo của thành phố; thì hiện đang được thành phố ra "phác đồ điều trị", cộng với tinh thần quyết liệt bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ kích hoạt guồng máy thực thi.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)