Phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Từ gần 30 năm trước, đề án đấu giá biển số xe đẹp từng được Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đề xuất thực hiện song rơi vào bế tắc do có nhiều ý kiến trái chiều. Ở cấp độ địa phương, một số tỉnh, thành như: Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng tổ chức đấu giá biển số xe và thu về hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo, nhưng đã bị bộ ngành "tuýt còi" bởi vướng mắc về các thủ tục pháp lý. Đến năm 2008, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, giao các bộ nghiên cứu triển khai, rồi sau đó cũng bất thành.
Nay, ý tưởng tổ chức đấu giá biển số ôtô được khởi động lại với kỳ vọng việc chuyển đổi từ "biển số đi theo xe" sang "biển số đi theo chủ phương tiện" sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thuận lợi cho việc xác định chủ phương tiện; tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cấp biển số. Cùng với đó, việc đấu giá biển số xe cũng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân về việc lựa chọn biển số theo sở thích, song song với duy trì hệ thống đăng ký xe bằng hình thức chọn ngẫu nhiên như hiện nay. Quan trọng không kém, khai thác hiệu quả việc đấu giá biển số xe còn tạo nguồn thu ngân sách, từ đó có nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là lý do mà dự thảo nghị quyết nhận được sự tán thành của đa số người dân cùng nhiều cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo khi xây dựng nghị quyết cũng cần lưu ý nhiều vấn đề nhằm hạn chế tình trạng nghị quyết không phù hợp với thực tiễn, khó đi vào đời sống; phát sinh những hạn chế, bất cập hoặc chồng chéo với quy định khác. Chẳng hạn, nên lường trước tình huống có nhiều địa phương "tranh nhau" biển số đẹp, dẫn đến nguy cơ cấp trùng biển số, gây phiền phức cho người dân và ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của nhà nước. Hay như trong quy trình đấu thầu, cũng cần quy định rõ, cụ thể mức giá phù hợp với giá trị từng biển số, tránh thất thu ngân sách. Ngoài ra, việc cấp biển số có thời hạn hay chủ phương tiện được sử dụng suốt đời cũng cần nghiên cứu rất kỹ.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc người trúng đấu giá có được mua bán, chuyển nhượng biển số hay không? Vấn đề này nếu không được xử lý khéo léo, chặt chẽ sẽ dễ dẫn tới tiêu cực, tạo điều kiện cho một số trường hợp đấu giá biển số nhằm mục đích kinh doanh, mua đi bán lại, gây rối loạn thị trường. Ngoài ra, cần tính toán đến việc phân bổ số tiền thu được từ đấu giá biển số về ngân sách địa phương ở mức hợp lý bên cạnh việc kiểm soát chặt nguồn thu này để tránh thất thoát.
Bình luận (0)