Mỗi năm TP HCM có khoảng 10.000 trẻ vào lớp mầm non. Còn tổng thể năm học 2022-2023 TP HCM có 1,74 triệu học sinh. Với số lượng học sinh khổng lồ này (cao hơn dân số nhiều tỉnh, thành) thì việc lo cho đủ trường lớp đã là vấn đề nan giải.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, từ năm 2016 đến 2020, thành phố cần 14.097 phòng học, trong đó cấp mầm non là 6.035 phòng, tiểu học 4.412 phòng, THCS 2.382 phòng và THPT là 1.268 phòng.
Tuy nhiên, số phòng học được đầu tư từ ngân sách và đưa vào sử dụng chỉ 6.115 phòng, tương đương 43,38% mục tiêu. Tính đến năm 2025, thành phố cần bổ sung hơn 8.800 phòng học theo tiêu chuẩn 300 phòng học/10.000 dân. Con số này quá lớn, quá căng thẳng nên khó mà thực hiện nổi, nếu ngay từ bây giờ không có những giải pháp quyết liệt, tạo điều kiện tối đa và phải có sự chia sẻ từ trung ương về cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư, sự hỗ trợ về nguồn lực.
Là địa phương đông dân nhất nước, có nguồn thu lớn nhất thì dù muốn hay không TP HCM phải đảm nhận vai trò tiên phong trong việc phát triển kinh tế giáo dục và văn hóa. Nhiệm vụ này rất nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục.
Những năm qua, TP HCM đã đầu tư rất lớn, xây dựng cả ngàn phòng học mỗi năm; kèm theo đó là tăng thu nhập cho giáo viên, hiện đại hóa trường lớp theo chuẩn quốc gia, nâng chất lượng giảng dạy… Đặc biệt, chưa có địa phương nào được tạo cơ chế phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập mạnh như ở TP HCM. Hệ thống này hỗ trợ rất lớn cho hệ thống giáo dục công lập bảo đảm trường lớp và chương trình giáo dục tiên tiến cho học sinh.
Tuy vậy, khó khăn vẫn còn không ít, nhất là với thành phố đông dân, quỹ đất hạn hẹp và buộc phải được phân bố đều ở các quận, huyện. Nhưng giáo dục là quốc sách, phải được ưu tiên hàng đầu, quyết tâm hơn cả. Quỹ đất thiếu nhưng cái chính vẫn là thiếu cơ chế và tầm nhìn khi quy hoạch. Có những quận nội thành rất hẹp như quận 1, 3, 5… nhưng vẫn được ưu tiên xây trường và nay đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân. Nhiều nơi khác khi quy hoạch khu dân cư thì buộc phải xây trường học từ cấp mầm non đến THPT.
Đây là nhiệm vụ phải đạt được dù trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục của cả nước thấp hơn nhiều so với mức mà Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội (20% trên tổng chi ngân sách quốc gia).
Đủ trường lớp, đủ giáo viên chỉ là mới là điều kiện cần. TP HCM còn phải đầu tư chiều sâu cho giáo dục và từ đây mới phổ biến được cho các địa phương khác. Trước hết là tiến tới khả năng tự chủ tài chính của các trường, để có nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy. Kế đến là khởi động các chương trình hợp tác giáo dục với các quốc gia có nền giáo dục phát triển mạnh; đẩy mạnh hệ thống trường ngoài công lập, kết nối giáo dục trực tuyến toàn cầu, thiết lập chương trình giáo dục không biên giới…
Giáo dục là quá trình phát triển không ngừng. Nhu cầu học tập của học sinh cũng thế, luôn tạo nên những nấc thang mới để hướng đến chân trời ngày càng rộng mở. Đó là tương lai của chúng ta và phải được bắt đầu từ hôm nay.
Bình luận (0)