Nỗi lo thứ nhất phải kể đến là khi lượng khách tăng cao, đã lộ điểm yếu liên quan đến sự chuẩn bị của các điểm đến, của doanh nghiệp và cả ngành. Điểm yếu này xuất phát từ dịch bệnh kéo dài suốt gần 2 năm khiến nhân sự ngành du lịch thiếu hụt. Đây là nguyên nhân có thể khắc phục sớm được nếu các điểm đến, doanh nghiệp du lịch hay ngành du lịch có kế hoạch bài bản để khôi phục sau thời gian "ngủ đông" vì đại dịch. Trong đó, các địa phương đang thiếu nguồn nhân lực cần liên kết với những trung tâm du lịch lớn như TP HCM, Hà Nội để hỗ trợ đào tạo về nhân sự du lịch.
Nỗi lo kế đến là, tuy khách đông nhưng phải nhìn nhận rằng có rất nhiều khách đi dạng tự túc, thay vì tour trọn gói của công ty du lịch. Điều này khiến các điểm đến khó tính toán công suất để phục vụ, tình trạng này để lộ rõ việc thiếu bền vững trong phát triển. Do đó, vấn đề cần làm ngay là doanh nghiệp du lịch phải xây dựng, thiết kế nhiều sản phẩm tour, tuyến trọn gói để hấp dẫn, kéo khách đi tour. Trong điều kiện hiện tại, đa phần các điểm đến, điểm tham quan do nhà nước quản lý nên lại đòi hỏi bài toán về liên kết, kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp để tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, cùng phát triển và giữ nguồn khách. Nói chung phải liên kết để tận dụng ưu thế của nhau để hấp dẫn du khách.
Bài học cho sự liên kết trên có thể kể đến cách làm của TP HCM thông qua chuyến khảo sát của đoàn doanh nghiệp du lịch ở TP HCM tới các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng. Tại chuyến khảo sát, tỉnh Quảng Bình có thống kê là khách từ TP HCM tới địa phương này thường chi tiêu cao hơn nhiều so với những nơi khác. Đây là thông tin khá hay và đặt ngành du lịch Quảng Bình vào bài toán cần tiếp tục duy trì sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách từ TP HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước. Theo đó, Quảng Bình đã đề ra hàng loạt giải pháp để liên kết, hứa hẹn những vụ mùa "bội thu" sau này.
Cuối cùng, du lịch "bùng nổ" dịp hè nhưng phải làm sao để giữ nhịp độ này, nhất là ở miền Trung? Đây là câu hỏi khó nhưng không phải không có lời giải. Ai cũng biết những địa phương ở miền Trung thường khai thác, đón khách từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 9, sau đó bắt đầu vào mùa mưa bão, trong khi, mùa khách quốc tế thường từ tháng 9-10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Lẽ đó, lúc này, ngành du lịch cần tập trung nguồn lực quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế vào, thay thế một phần lượng khách trong nước không còn sôi động sau dịp hè.
Với những tiềm năng, lợi thế, thiên nhiên ưu đãi vốn có, nếu làm du lịch bài bản, định vị là một điểm đến du lịch bền vững, thì không chỉ nội địa mà cả khách quốc tế sẽ luôn "bùng nổ" ở Việt Nam.
Bình luận (0)