Tuy nhiên, từ tháng 10-2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã tạo cơ hội cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có du lịch. Đặc biệt, từ ngày 15-3 vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, chúng ta đã mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng như việc phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3-4 năm để có thể phục hồi lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, ngành du lịch cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, là các định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới như các định hướng về chính sách, về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Ví dụ, các chính sách nhà nước cần hướng đến giải quyết những nội dung cụ thể nào? Dòng sản phẩm nào sẽ là chủ đạo để thu hút khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam?
Thứ hai là các giải pháp và hành động cụ thể cho việc khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Đâu là các giải pháp cốt lõi, đâu là giải pháp trước mắt, đâu là các giải pháp lâu dài và các hành động chúng ta cần thực hiện ngay để phục hồi ngành du lịch nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới.
Thứ ba là các đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý du lịch các cấp để có thể nhanh chóng hành động, triển khai thực hiện các giải pháp cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, những đề xuất có tính thực tiễn cao, tập trung vào các định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, sớm đưa hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương và doanh nghiệp trong những hoạt động nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch, đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.
Bình luận (0)