Thực chất, tín dụng bất động sản vẫn tăng cao. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm trước và là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỉ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 5 năm qua). Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 68% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 32% tổng dư nợ bất động sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và DN bất động sản, phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để lãi suất không quá cao, tỉ giá ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng tinh thần của Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Cần khẩn trương tháo gỡ về mặt pháp lý. Chờ sửa Luật Đất đai thì rất lâu, nhưng có thể gỡ khó khi rất nhiều địa phương hiện nay không tính giá đất, xác định tiền thuê đất cho DN bất động sản ở các khu công nghiệp là bao nhiêu? Trong khi nhiều DN hiện sẵn sàng nộp tiền thuê đất, vậy nộp một lần hay nộp hằng năm, cần có thông tin cụ thể. Gỡ khó pháp lý cũng liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, condotel bằng cách có phương án gỡ vướng cho các chủ sở hữu (người mua) với thời hạn của dự án còn bao nhiêu (30-40 năm) thì cấp giấy chứng nhận theo thời gian thực tế…
Riêng về vốn tín dụng của ngành NH, trước mắt NHNN cần sớm cấp hạn mức tín dụng để các NH thương mại chủ động phân bổ cho vay. Có tiếp tục giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ hay không cần được NHNN tính toán, cân đối nhưng phải đặt trong bối cảnh tổng thể chung của nền kinh tế chứ không chỉ riêng bất động sản vì các lĩnh vực khác cũng khó khăn.
Quan trọng không kém, cần đẩy mạnh chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho vay qua NH Chính sách xã hội để phát triển nhà ở theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã được phê duyệt với tổng giá trị khoảng 18.000 tỉ đồng. Cần đẩy mạnh cho vay các DN xây lắp, xây dựng để họ không nợ đọng lẫn nhau; cho vay các công trình, dự án dở dang - các công trình, tòa nhà đang xây dựng cần được tiếp tục bơm vốn để triển khai.
Một giải pháp khác là cân nhắc sửa đổi các quy định liên quan cho vay. NHNN có thể cho phép các tổ chức tín dụng xem xét đầu tư nhiều hơn, linh hoạt hơn vào trái phiếu bất động sản (dù vẫn phải kiểm soát rủi ro); cho phép cho vay những dự án chuyển nhượng M&A - đây là vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài liên tục kiến nghị.
Lúc này, nếu chỉ tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cũng chưa thể giải quyết triệt để. Cần sớm sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu DN; thúc đẩy kênh đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng góp phần tháo gỡ cho bất động sản. Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần sớm có chính sách phân loại bất động sản theo các nhóm như bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, nghỉ dưỡng… để NHNN có cơ sở phân bổ nguồn vốn phù hợp.
Thái Phương (ghi)
Bình luận (0)