Với nhiều người, khoản thưởng này không chỉ giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt trong dịp Tết mà còn là nguồn tích lũy để cải thiện cuộc sống. Với doanh nghiệp (DN) ăn nên làm ra, chuyện thưởng Tết cho NLĐ nhằm động viên họ sau 1 năm làm việc vất vả là đương nhiên; còn với DN khó khăn, mức thưởng chỉ mang giá trị tinh thần.
Theo báo cáo mới nhất của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều do giảm đơn hàng hiện nay là chế biến gỗ, dệt may, da giày và một số DN điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Khoảng 485 DN với 631.329 NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam. Trong đó, có đến 34.563 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm ngàn người phải giảm giờ làm…
Bức tranh về tình hình việc làm cuối năm ở một số ngành nghề nêu trên cho thấy việc tính toán thưởng Tết cho NLĐ là vấn đề hóc búa đối với nhiều DN, nhất là DN thâm dụng lao động. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng cùng với biến động kinh tế toàn cầu đã đẩy nhiều DN rơi vào thế khó khi đơn hàng ngày càng giảm sút. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Với số đông NLĐ, bên cạnh chuyện thưởng Tết, giữ được việc làm trong thời điểm này vẫn là mong mỏi hàng đầu. Mới đây, khi thông báo cắt giảm gần 1.200 lao động do không có đơn hàng, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) cam kết vẫn thưởng Tết cho toàn bộ những người mất việc. Tuy nhiên, với những công nhân này, giờ mà mất việc làm là xem như năm nay không có Tết…
Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết các DN đều cho biết sẽ cố gắng hết mức có thể để lo cho NLĐ có một cái Tết đầy đủ. Theo giám đốc một công ty chế biến hải sản xuất khẩu ở KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP HCM), năm nay dù khó khăn nhưng công ty vẫn xoay xở thưởng Tết cho công nhân ít nhất là 1 tháng lương cơ bản. Với ông, sự quan tâm của người sử dụng lao động đối với NLĐ - nguồn vốn quý của DN - trong bối cảnh khó khăn mới có ý nghĩa động viên, tạo động lực cho họ cống hiến lâu dài. Đó cũng là giải pháp giữ chân NLĐ căn cơ sau khoảng thời gian đối diện nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Đồng hành với DN và NLĐ, tổ chức Công đoàn đã sớm triển khai nhiều chương trình chăm lo thiết thực. Tết Quý Mão 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam dành hơn 500 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên - lao động khó khăn. Tại TP HCM - địa phương thời gian qua có số lượng công nhân bị cắt giảm việc làm nhiều nhất, tổ chức Công đoàn cũng dành hơn 140 tỉ đồng chăm lo, hỗ trợ NLĐ, thông qua các chương trình như: "Tết sum vầy - Xuân tri ân", "Gia đình công nhân vui Tết cùng thành phố", "Chuyến tàu mùa xuân"…
Những nỗ lực của DN và Công đoàn các cấp có ý nghĩa động viên NLĐ rất lớn trong bối cảnh năm đang hết, Tết đang đến.
Bình luận (0)