Bên cạnh niềm vui về một năm qua thành công nhiều mặt, hân hoan đón chào năm mới của nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp (DN), gia đình, vẫn có những DN và người lao động (NLĐ) đứng trước những lo toan vì khó khăn bủa vây, đời sống chưa hết nhọc nhằn.
Năm nay, với biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới, tình hình quan hệ lao động khu vực DN ngoài nhà nước tiếp tục có những khó khăn, nhất là tại các DN thâm dụng lao động như sản xuất gỗ, dệt may - giày da..., ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân làm việc cầm chừng hoặc hoãn, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Điều đó có nghĩa NLĐ không có thưởng Tết, khoản tiền lương ít ỏi cũng khó trang trải cho đời sống thường ngày, đón Tết một cách tươm tất như nhiều năm trước là chuyện xa vời.
Để tiếp sức NLĐ vượt qua thời điểm này, LĐLĐ TP HCM tổ chức hàng loạt hoạt động chăm lo với phương châm "Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động". Ngoài tham gia xây dựng phương án chi trả lương, thưởng Tết, các khoản phúc lợi khác cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán, LĐLĐ TP HCM cũng tổ chức thăm và chúc Tết các DN thực hiện tốt chính sách về lao động; họp mặt, tặng quà cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn; thăm chủ nhà trọ hỗ trợ và chăm lo tốt cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt các quy định của pháp luật tại địa phương...
Một số chương trình đáng chú ý năm nay như "Tết sum vầy - Xuân tri ân" chăm lo 10.000 hộ gia đình đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết; chương trình "Gia đình công nhân vui Tết cùng thành phố" lần 2; chương trình "Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên"; chương trình "Tấm vé nghĩa tình" trao tặng vé xe, vé tàu hỏa, vé máy bay cho NLĐ... Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động chăm lo cho NLĐ dịp Tết Nguyên đán 2023 khoảng 140 tỉ đồng.
Cũng trong dịp Tết này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết thành phố sẽ tăng mức hỗ trợ chủ yếu với các trường hợp gia đình chính sách, người có công, người trực tiếp tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, cán bộ hưu trí, trẻ em mồ côi; tăng mức quà cho cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ. Tổng kinh phí tặng quà Tết Quý Mão 2023 là gần 927 tỉ đồng, tăng hơn 76 tỉ đồng so với Tết Nhâm Dần 2022.
Tết với người Việt là dịp để tri ân, để cùng nhau thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Không ai, không điều gì có thể lãng quên đã trở thành một quan điểm nhận thức xã hội đáng trân trọng. Làm sao có thể quên những người đã hy sinh cuộc sống và một phần thân thể cùng những hy sinh thầm lặng khác cho hôm nay đất nước hòa bình, vững vàng đi tới tương lai. Mang Tết ấm đến với người nghèo, NLĐ bị mất việc, thiếu việc làm cũng là đem lại sự ấm áp của tình người, đem lại tình thương và sức mạnh đoàn kết của người Việt. Ngày Tết rồi sẽ qua, nhưng những giá trị tốt đẹp của lối sống, tâm thức, tình cảm của người Việt mãi được trao truyền, gìn giữ.
"Uống nước nhớ nguồn", "bầu ơi thương lấy bí cùng" luôn là đạo lý nghĩa nhân sáng ngời.
Bình luận (0)