Đây là lời cảnh báo từ loạt bài điều tra "Bảo tồn biển vịnh Nha Trang: S.O.S!" do Báo Người Lao Động thực hiện và đăng tải liên tục những ngày qua.
Trực tiếp lặn biển để làm rõ thực trạng, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận hình ảnh các rạn san hô chết hàng loạt hoặc bị cào nát. Nhiều nơi từng là "thiên đường dưới biển" nhờ lượng san hô, sinh vật hết sức phong phú thì nay san hô gãy đổ hàng loạt. Có chỗ đáy biển chỉ còn màu xám xịt; có chỗ hàng tấn san hô chết trắng bị sóng đánh tấp thành lớp dày trên đảo.
Cách Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang không xa, những rạn san hô ở Hòn Sẹo thuộc vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng đang chết hàng loạt khiến hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vịnh Quy Nhơn được đánh giá có tiềm năng đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của thảm cỏ biển, đặc biệt là khoảng 152 ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo. Quanh các rạn san hô còn có 16 bãi giống thủy sản, gồm 3 bãi đẻ của mực lá, ốc gai và 13 bãi ươm giống các loại ghẹ, tôm hùm, hải sâm, cá giò, cá mú...
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường biển theo chiều hướng xấu, khiến sự đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Những nguyên nhân khách quan thuộc về thiên tai - như các cơn bão, rồi sự bùng phát sao biển gai hủy hoại môi trường biển... - thì rõ rồi. Nhưng có những nguyên nhân khác lại chính từ con người. Đó là tình trạng khai thác hải sản trái phép và việc xây dựng, san lấp mặt biển xảy ra ở vịnh Nha Trang; là tình trạng người từ địa phương khác đến lén lút khai thác san hô vào ban đêm ở vịnh Quy Nhơn...
Tác động từ con người đang gây ra sự hủy hoại đối với môi trường biển xem ra lớn hơn nhiều so với biến đổi khí hậu và thiên tai. Vậy nhưng, như lời một lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, họ chỉ có thể xử lý các tàu cá đánh bắt trong vùng nước 300 m từ bờ Hòn Mun trở ra. Ngoài vùng nước này, việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ có thể dùng biện pháp xua đuổi. "Tàu cá cứ neo đó mà chúng tôi không làm gì được" - lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang thừa nhận. Trong khi đó, một lãnh đạo UBND xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn thì "thú thật, tôi không biết gì về việc san hô ở Hòn Sẹo chết"!
Nhiều nhà khoa học đã khẳng định hoàn toàn có thể phục hồi các rạn san hô ở vịnh Nha Trang hay vịnh Quy Nhơn, rộng hơn là các hệ sinh thái rừng/biển vốn rất phong phú và đa dạng của nước ta. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là phục hồi xong thì phải có sự quản lý và quản lý hiệu quả, tức là bảo vệ được để hạn chế thấp nhất những hậu quả, trước hết là từ con người gây ra. Nếu không, sẽ còn tiếp diễn tình trạng hệ sinh thái bị tàn phá mà không biết hoặc biết nhưng bất lực; sẽ còn tiếp diễn việc bỏ ra bao nhiêu kinh phí, vất vả phục hồi xong lại bị tàn phá tiếp. Rốt cuộc, mọi công sức rồi cũng như "dã tràng xe cát"!
Bình luận (0)