Thực thi một quy định như thế không hề đơn giản vì nó liên quan đến rất nhiều quy định khác, nhất là tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Về mặt thực tế, ở TP HCM, sau thời gian cấm xe giường nằm từ 6 giờ đến 22 giờ, tình hình các tuyến giao thông có đặt bến bãi của loại xe này đã được cải thiện đáng kể. Tiếp tục nới rộng thời gian cấm là phương án có thể thực hiện được, với điều kiện phải được sự đồng thuận của xã hội và trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Giao thông tại thành phố lớn như TP HCM đã rất bức bối. Một trong những nguyên nhân là do tổ chức giao thông chưa hiệu quả, nhất là việc "xe dù, bến cóc" cứ mãi tồn tại. Không chỉ xe giường nằm mà xe 15 chỗ, xe 4-7 chỗ, taxi, xe công nghệ… đều dễ dàng lập bến tạm ven đường mà khó ai can thiệp được. Đường sá ở nội đô hầu hết vốn chật hẹp. Chỉ cần 2 xe loại 50 chỗ hoặc vài ôtô du lịch đỗ ven đường là gây ách tắc. Cấm xe giường nằm, ngăn chặn "bến cóc, xe dù" thì cần phải cấm triệt để và hơn ai hết, chính quyền các quận, huyện nắm rất rõ tình hình này.
Nhưng phải nhìn nhận những biện pháp trên chỉ mang tính cấp thời. Về lâu dài, phải giải bài toán giao thông ở tầm vĩ mô. Trước hết, phải nâng mật độ giao thông đô thị, bởi hiện nay tỉ lệ này quá thấp. Mật độ đường giao thông TP HCM đạt 2,26 km/km², chỉ bằng 1/5 quy chuẩn, thấp hơn các thành phố tương đồng như Bangkok, Đài Bắc, Singapore... Trong khi mỗi ngày thành phố có khoảng hơn 1.000 xe đăng ký mới với khoảng 221 ôtô và 804 xe hai bánh.
Tốc độ phát triển giao thông không theo kịp tốc độ phát triển đô thị nên không còn cách nào khác là phải mở rộng giao thông. Thời gian qua, TP HCM đã xây dựng hàng loạt tuyến đường mới, gần nhất là đã khởi động đường Vành đai 3 và lập kế hoạch cả đường Vành đai 4. Bài toán giao thông đã có nhiều lối mở nhưng tăng mật độ giao thông nội đô vẫn rất nan giải. Chúng ta có lợi thế là có sông Sài Gòn chảy quanh và hệ thống kênh lớn khá nhiều. Hai bên bờ còn nhiều quỹ đất do nhà nước quản lý nên khi phát triển giao thông ven bờ sẽ giảm được chi phí giải tỏa đền bù khá lớn. Ven đường Võ Văn Kiệt, Bến Vân Đồn, Tôn Thất Thuyết... là những minh chứng thuyết phục. Đáng tiếc là phương án này đã bị không ít vướng mắc do một thời gian dài những dải đất tương tự đã được giao cho doanh nghiệp làm dự án địa ốc. Bờ sông mênh mông đã bị chia nhỏ, mà nay muốn làm đường giao thông sẽ rất khó.
Cũng lợi thế này nhưng bao năm qua chúng ta đã bỏ quên tuyến giao thông thủy quan trọng kết nối từ Cần Giờ, quận 4, quận 8, Bình Thạnh..., thậm chí là đến cả Đồng Nai và Bình Dương. Hệ thống sông ngòi thênh thang này đang chờ khai thác.
Ủng hộ giải pháp giảm tải cho nội đô nhưng giải bài toán giao thông là phải thực hiện cả một hệ thống giải pháp đồng bộ. Sẽ rất tốn tiền, tốn sức nhưng phải thực hiện. Đây là sự đầu tư đi trước một bước nhằm phát triển các kế hoạch kinh tế - xã hội bắt buộc.
Bình luận (0)