Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-12-2021, trong tổng số 31,15 tỉ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, có trên 15,2 tỉ USD vốn đăng ký mới của 1.738 dự án (tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2020) và 9 tỉ USD vốn đăng ký điều chỉnh của 985 lượt dự án (tăng 40,5%).
2021 cũng là năm thu hút thêm được nhiều dự án lớn từ vài trăm triệu đến nhiều tỉ USD từ vốn FDI như: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina... Đáng mừng nữa là các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỉ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một thông tin khác: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi Công văn số 142/CV-VASEP tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, gửi lời cảm ơn của các doanh nghiệp (DN) thủy sản thành viên tới Chính phủ và Thủ tướng vì đã ban hành kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP.
Thư viết: "Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành ngày 11-10-2021 đã điều chỉnh phương thức chống dịch, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh, đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động DN trong giai đoạn tiếp tục duy trì chống dịch Covid-19".
Theo đó, nhờ việc tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc này mà từ cuối tháng 10-2021, các DN đã có điều kiện và cơ hội phục hồi sản xuất, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, kịp khai thác nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thế giới đang tăng cao vào cuối năm 2021, bù đắp lượng thâm hụt sâu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý III/2021. Quan trọng hơn, chuỗi cung ứng thủy sản bắt đầu được khôi phục, giúp hàng trăm ngàn ngư dân khai thác thủy sản và nông dân nuôi trồng thủy sản có việc làm trở lại và có thu nhập.
Đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo nền kinh tế của cả thế giới. Hàng loạt DN phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài, thậm chí rơi vào phá sản do gia tăng chi phí, khó khăn đầu ra cho sản phẩm.
Việt Nam ta cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được những lợi thế như có nền chính trị, xã hội ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô luôn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng được cải thiện... Cùng với đó là việc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng DN trong cả những lúc khó khăn nhất.
Bộ máy của chúng ta vẫn chậm đổi mới, nhiều việc phải cải tiến mới đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN. Điều đó là rất rõ. Nhưng khi DN bày tỏ phấn khởi khi được Chính phủ tạo cho họ cơ hội làm ăn, cũng như việc DN mạnh dạn đầu tư hay tăng vốn đầu tư, thì đấy chính là những chỉ số về niềm tin đang được giữ vững theo hướng tích cực, rất cần phát huy.
Chỉ khi có niềm tin, doanh nhân mới yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.
Bình luận (0)