Ở đầu này - thị trường ảm đạm thì ở đầu kia - người chăn nuôi chắc chắn vất vả. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cho biết giá tại trại chỉ 1.800 đồng/quả, lỗ 300 đồng/quả. 300 đồng tưởng chừng rất nhỏ nhưng con số lỗ này nếu kéo dài nó có nguy cơ gây phá sản hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi gà lấy trứng và về lâu dài thị trường này sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối.
Ngành công nghiệp trứng gia cầm tại Việt Nam phát triển ngoạn mục trong những năm qua. Sản lượng sản xuất trứng không ngừng gia tăng, cụ thể là khoảng 9 tỉ quả vào năm 2015 thì nay mỗi năm sản xuất đã hơn 16 tỉ quả. Bình quân tăng trưởng về sản lượng trứng của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt 12,67%/năm, cao hơn 4 lần so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu trong cùng giai đoạn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước mà nhiều doanh nghiệp đã tìm được thị trường xuất khẩu sang một số quốc gia.
Phát triển nhanh như thế nhưng ngành này cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những nhà sản xuất nhỏ. Dễ thấy nhất là trong 10 năm qua, giá vật tư, con giống, thức ăn tăng rất cao nhưng giá trứng hầu như không thay đổi, dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/chục. Trong lúc này, với thị trường khoảng 100 triệu dân, hàng loạt doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Malaysia… đã đầu tư lớn ở cả 3 miền quyết cạnh tranh giá cả với các doanh nghiệp trong nước. Giá trứng giảm, các doanh nghiệp lớn có thể chịu đựng được vì có vốn tích lũy. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ trong nước, trang trại hộ gia đình sẽ không cầm cự nổi.
Việt Nam có đến 60% dân số sống bằng nông nghiệp, nên sản xuất nhỏ ở nông thôn có nghĩa rất đặc biệt. Ngành chăn nuôi gia cầm cũng vậy, nó có thể giải quyết việc làm tại chỗ, đầu tư nhanh với chu kỳ kinh doanh ngắn, thường là vài tháng từ khi nuôi cho đến khi ra sản phẩm. Mặt khác đây là mặt hàng dễ tiêu thụ tại địa phương, nguồn thu ổn định để người nông dân đủ điều kiện tái đầu tư sản xuất. Ngành này lao đao sẽ tác động dây chuyền, ảnh hưởng lớn đến nông thôn.
Chúng ta hy vọng rằng nhu cầu tiêu thụ trứng nội địa sẽ tăng cao theo khuyến cáo của các nhà khoa học dinh dưỡng. Hiện nay, lượng tiêu thụ trứng ở Việt Nam khoảng 149 quả/người/năm. Trong khi đó, tiêu thụ trứng bình quân của thế giới khoảng 210 - 220 quả/người/năm. Một số quốc gia tiêu thụ trứng trên 300 quả/người/năm như Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Malaysia, Indonesia...
Con số này hấp dẫn người nông dân nhưng cũng hấp dẫn những doanh nghiệp "cá mập" khác sẵn sàng nhảy vào chia phần và không đắn đo cạnh tranh triệt tiêu các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất. Những khoảng trống của thị trường sau các cuộc cạnh tranh hoặc những khó khăn đột xuất của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các tập đoàn nước ngoài có đầy đủ kinh nghiệm thương trường và tiềm lực kinh tế. Thực tế này cũng đang diễn ra khốc liệt trong những năm qua.
Đồng ý rằng kinh doanh phải để thị trường quyết định. Nhưng với tầm quan trọng của nền sản xuất nhỏ trong ngành chăn nuôi ở nông thôn quá đặc thù, chúng ta có đủ các biện pháp khéo léo để hỗ trợ. Giá một quả trứng không đơn thuần là con số kinh tế, mà đằng sau nó còn là vấn đề ổn định xã hội ở nông thôn.
Bình luận (0)