Nhóm đối tượng trên tự đi tuần tra đêm trên các tuyến đường ở TP Thủ Đức. Khi thấy ai vi phạm giao thông hoặc "khả nghi" thì lao ra chặn bắt. Tưởng hiệp nghĩa, ai ngờ nhóm này lộ mặt là cướp cạn khi yêu cầu nộp tiền.
Trước đó, giữa tháng 4-2022, một nhóm 12 "hiệp sĩ" thuộc "Đội tuần tra hỗ trợ về đêm - S.O.S Bình Tân" gần giữa đêm bất ngờ chặn một đôi nam nữ với lý do tình nghi 2 người là... cướp. Họ tự xưng là cảnh sát hình sự và yêu cầu đương sự trình giấy tờ tùy thân. Vụ việc đang căng thẳng thì cảnh sát hình sự thật xuất hiện mời những người liên quan về trụ sở. Trong nhóm "cảnh sát hình sự" trên có một thanh niên từng có tiền án cướp giật.
Chúng ta không phủ nhận thực tế là nhiều nhóm "hiệp sĩ" chính danh hoạt động rất hiệu quả trong thời gian qua mà điển hình là hoạt động của các câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở Bình Dương. Họ được đặt trong sự quản lý của chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, hoạt động tuân thủ pháp luật. Nhưng bên cạnh hoạt động hiệu quả này cũng phát sinh hàng loạt nhóm "hiệp sĩ" khác mà mục tiêu hoạt động rất mù mờ, cách thức hoạt động tùy tiện và lý lịch bản thân thành viên không rõ ràng. Họ không được chính thức thừa nhận nhưng cũng không chính thức bị dẹp bỏ. Có được quyền hạn của sức mạnh băng nhóm, họ dễ dàng vượt qua ranh giới giữa hiệp nghĩa và tội phạm.
Tìm cơ chế chính danh và triệt tiêu sự tùy tiện của các nhóm "hiệp sĩ" là việc rất khó đối với các địa phương. Vấn đề này cũng từng được các đại biểu nêu ra tại cuộc họp Quốc hội vào năm 2018 - sau cái chết của 2 hiệp sĩ khi tham gia bắt cướp - nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo thống nhất.
Nói cách khác, việc này tùy từng địa phương theo nhu cầu riêng mà linh động áp dụng những quy định của pháp luật liên quan. Có nơi cho phép các nhóm "hiệp sĩ" được hoạt động theo mô hình "toàn dân tham gia phòng chống tội phạm" có sự quản lý của chính quyền cấp xã, phường. Có nơi công an tỉnh cho phép thành lập các nhóm với cách hiểu là "đội tình nguyện giữ gìn an ninh trật tự địa phương"... Nhưng thật ra, các nhóm này hoạt động phập phồng: làm tốt thì biểu dương, vi phạm thì tự chịu trách nhiệm, xảy ra rủi ro thì... tự gánh. Đây là điều bất hợp lý và không nên khuyến khích, bởi nó trái với nguyên tắc mọi người dân cần được bảo vệ an toàn cho dù họ có là "hiệp sĩ".
Những quy định của pháp luật hiện hành quy định rất rõ, chỉ những cơ quan được pháp luật cho phép mới được sử dụng sức mạnh vũ lực và quyền hạn giữ gìn an ninh trật tự. Điều này làm tăng sức mạnh của bộ máy công lực và triệt tiêu việc lạm dụng sức mạnh vũ lực tự phát. Trong xã hội thượng tôn pháp luật, chúng ta không thể để những hoạt động "hiệp sĩ" ra ngoài khuôn khổ pháp lý. Quyền hạn này nếu bị lợi dụng sẽ gây mất an ninh trật tự, xâm hại đến quyền lợi và có thể là tính mạng người khác.
Bình luận (0)