Cuộc họp có bàn về Chỉ thị Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố sau ngày 30-9. Theo Phó Thủ tướng, TP HCM phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để thống nhất biện pháp giải quyết tình huống ùn ứ khi thành phố nới lỏng.
Đúng là như vậy, kinh nghiệm đó rút ra từ thực tế nhiều tháng qua, khi đã có hiện tượng mỗi nơi vận dụng một kiểu kiểm soát dịch bệnh - cụ thể là qua việc cấp, xét giấy đi đường và yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Từng xảy ra chuyện một địa phương cửa ngõ ở đồng bằng sông Cửu Long buộc tất cả nhà xe chở hàng trước khi vào địa giới hành chính địa phương mình phải sang tải, thay tài xế, dẫn tới ách tắc hàng hóa nghiêm trọng. Cũng có địa phương ở miền Đông Nam Bộ buộc các chủ phương tiện phải quay đầu về lại TP HCM dù trước đó nửa ngày chủ phương tiện cũng với xe ấy, giấy đi đường ấy, phiếu xét nghiệm âm tính ấy và "thẻ xanh" đã tiêm 2 mũi vắc-xin ấy đã được cho phép qua tất cả các chốt kiểm soát về miền Tây.
Kiểu "mạnh ai nấy quy định" như thế khiến người dân chẳng biết đâu mà lần còn doanh nghiệp than trời vì tốn kém, vất vả. Sắp tới đây, có thể hình dung trước rằng khi TP HCM nới lỏng giãn cách, với độ mở lớn của thành phố, giao thương liên vùng phía Nam sẽ rất sôi động, thế nhưng trong trục liên vùng này chỉ cần một tỉnh "ngăn sông cấm chợ" một cách phi lý thôi thì lập tức gây ùn tắc hệ thống.
Chính vì vậy, và cũng do đặc thù mỗi địa phương khác nhau, cấp độ dịch bệnh của từng tỉnh - thành cũng khác, nên cần phải cùng ngồi lại, bàn mọi tình huống và thống nhất kịch bản cho từng tình huống. Muốn như thế thì phải có đầu mối chỉ đạo từ bên trên, cụ thể là Chính phủ.
Với lĩnh vực nào cũng vậy, khi có đầu mối chỉ đạo và kiểm soát chung thì công việc trôi chảy, đồng bộ và hiệu quả. Từ chuyện vĩ mô là chiến lược phòng chống dịch cấp quốc gia đến những việc nhỏ hơn đều cần sự thống nhất trong chỉ đạo. Ví dụ trường hợp có liên quan mua sắm kit test nhanh kháng nguyên Covid-19, trước nay đã có dư luận về dấu hiệu "kê" giá sản phẩm, mới đây tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp (ngày 26-9), một doanh nhân đã thẳng thắn nêu tình trạng loạn giá kit test, giá gốc ở nước ngoài khi mua số lượng lớn rất thấp trong khi tại Việt Nam đến tay người dùng cao hơn nhiều lần. Có tình trạng đầu cơ không? Có trục lợi không? Đành rằng kit test không thuộc diện nhà nước quản lý giá nhưng với lượng nhập khẩu đến hàng trăm triệu sản phẩm và một lượng khá lớn của số này được mua bằng ngân sách nhà nước thì tại sao không cử đầu mối đàm phán giá, tại sao không tổ chức đấu thầu tập trung?
Có đầu mối thống nhất để đàm phán thì chắc chắn kit test sẽ rẻ hơn và không loạn giá. Nhìn rộng ra, chẳng riêng sản phẩm này mà tất cả các loại thiết bị y tế có nhu cầu mua sắm cao trong thời gian có dịch Covid-19 cũng vậy.
Bình luận (0)