Lãi suất đầu vào tăng, các doanh nghiệp (DN) lo lắng lãi suất cho vay sẽ đi lên trong bối cảnh tỉ giá USD/VNĐ tăng nhanh thời gian qua, cộng thêm sức cầu thị trường yếu…
Như với các DN trong ngành hàng không, tất cả lĩnh vực từ phụ tùng, trang thiết bị, nguyên nhiên liệu đến chi phí thuê máy bay… đều tính và thanh toán bằng USD. Khi tỉ giá ổn định, DN hàng không đã khó vì chưa thể phục hồi hoàn toàn sau 2 năm COVID-19. Nay tỉ giá tăng từ đầu năm đến giờ lên tới khoảng 8% càng khiến DN xoay trở khó hơn.
Các hãng hàng không đa phần hoạt động nhờ 2 dòng tiền chính là bán vé máy bay, các dịch vụ… và tiền vay từ tổ chức tín dụng. Huy động vốn từ các kênh khác lúc này rất khó. Do đó, tín dụng vẫn là kênh cung cấp vốn chính cho DN nhưng giờ lại ở vào thế vừa hết hạn mức (room) tín dụng, vừa lãi suất cho vay nhích lên; thêm áp lực tỉ giá USD/VNĐ.
Khi chi phí đầu vào tăng, giá vé máy bay phải tăng theo nhưng trong bối cảnh sức cầu yếu và nhu cầu thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, điều chỉnh giá vé là không dễ dàng. Ngay đề xuất tăng trần vé máy bay nội địa cũng chưa được thông qua. Với các DN du lịch, phân khúc du lịch nước ngoài vừa phục hồi ở một số thị trường nay lại gặp khó vì tỉ giá tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với cộng đồng DN đến giờ không nhiều DN tiếp cận được.
Trong bối cảnh này, bài toán ứng phó của DN thật sự không có nhiều lựa chọn. Giải pháp phổ biến vẫn là cắt giảm chi phí, giảm nhân sự, tiết giảm các hoạt động không cần thiết - bài toán đã được làm trong 2 năm qua và đang "bào mòn" DN.
Đối với tỉ giá USD/VNĐ, muốn có nguồn ngoại tệ thu về, các DN hàng không, du lịch có thể đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế. Nhưng bản chất của việc thu ngoại tệ về không dễ khi một số thị trường như Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu… đồng nội tệ của họ cũng giảm giá mạnh. Nếu không tính kỹ, DN có thể bị lỗ kép vì tỉ giá khi trả chi phí đầu vào bằng USD còn thu ngoại tệ về là đồng nội tệ của các quốc gia khác cũng đang mất giá.
Lúc này, DN vẫn xoay trở nhưng kỳ vọng việc điều hành chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước tạo môi trường kiến tạo, thúc đẩy để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của DN thuận lợi hơn. Chẳng hạn, DN đang rất khó khăn nhưng báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của các ngân hàng thương mại vẫn lãi rất lớn? Vậy tại sao tiếp tục tăng lãi suất? Tăng lãi suất đầu vào rồi, có thể giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc chưa tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ DN không?
Như ở Nhật Bản, dù đồng yen giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua so với đồng USD nhưng chính phủ nước này vẫn cam kết duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí, họ kích cầu tiêu dùng bằng cách tài trợ tiền cho người dân đi du lịch. Ở Việt Nam, nhà nước cũng có thể nghiên cứu chính sách kích cầu tiêu dùng qua kênh du lịch. Ví dụ, mỗi người dân đi du lịch nội địa sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/chuyến đi, trừ trực tiếp vào giá tour trả cho công ty du lịch và nhà nước sẽ cấn trừ khoản hỗ trợ này hạch toán vào chi phí thuế của DN.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)