Số tiền trợ cấp tuổi già không nhiều nhưng với bác điều đáng quý là sự quan tâm của nhà nước, của xã hội, sự trọng thị của chính quyền địa phương với người già. Cũng cần phải nói thêm rằng với một phụ nữ miền Trung một đời lam lũ, tảo tần vì chồng con, một đời chỉ biết cho đi và nhiều mất mát thì cái sự được hầu như là hiếm hoi và không nghĩ tới. Họ chỉ cần gia cảnh bình yên, cuộc sống đừng quá nhọc nhằn là đã đủ vui. Nhiều thế hệ dân quê Việt Nam chúng ta đã trôi qua như thế, ít khi được hưởng những phúc lợi xã hội, nên sự ngỡ ngàng của những người nhiều năm sống bình lặng sau lũy tre làng khi đón nhận sự chăm lo của xã hội cũng là lẽ thường, đáng trân trọng và chia sẻ.
Trong những năm gần đây, người già được chăm sóc chu đáo hơn bằng hệ thống chính sách như bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội. Những dịp lễ Tết, các địa phương đều có trợ cấp, cùng với những chăm sóc của các đoàn thể, đơn vị đối với người già. Nay trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này đã bổ sung về trợ cấp hưu trí xã hội, quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước bảo đảm. Ngoài đề xuất hạ tuổi, người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người. Vì vậy, Chính phủ đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi.
Đề xuất này thể hiện sự tiến bộ trong quan điểm, được ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn chi. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về mặt nguyên tắc, độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí sẽ ngày càng giảm xuống và giảm cho đến bao giờ chạm đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, mức trợ cấp sẽ ngày càng tăng lên, tùy vào khả năng của ngân sách nhà nước. Do đó, linh hoạt đối với quy định về việc điều chỉnh giảm dần tuổi và mức hưởng cụ thể bằng cách giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đề nghị của Chính phủ cho phù hợp với từng thời kỳ để bảo đảm không phải sửa luật mà vẫn vận hành được.
Còn hơn 9,27 triệu người sau tuổi nghỉ hưu không có lương hưu, trợ cấp, phải sống nhờ con cháu; đến tuổi 80 mới có khoản trợ cấp 360.000 đồng mỗi tháng. Nay đề xuất hạ độ tuổi để hưởng trợ cấp xuống còn 75 tuổi, trợ cấp 500.000 đồng và thẻ bảo hiểm y tế, nếu được thông qua sẽ góp phần lấp khoảng trống an sinh cho người cao tuổi; động viên người già sống vui sống khỏe.
Bình luận (0)