Theo đó, người từ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đóng BHXH dưới 15 năm, nếu có nguyện vọng thì được trợ cấp hằng tháng và mai táng phí 10 triệu đồng khi qua đời.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất cho người lao động (NLĐ) đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu. Mức lương hưu được tính bằng 45% mức đóng, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm với nữ và 20 năm đóng với nam. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% vào lương hưu. Lương hưu tối đa bằng 75% mức đóng (nam đóng tối đa 35 năm, nữ tối đa 30 năm). Trường hợp thời gian tham gia BHXH từ 15-20 năm với nam, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% lương tháng tính đóng BHXH.
Nếu đề xuất trên được thông qua, lao động nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng; lao động nam tới tuổi nghỉ hưu nhưng mới tham gia BHXH 15 năm thì lương hưu được tính bằng 33,75% mức đóng.
Hai đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ là những chính sách tiến bộ về an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho người già không có quyền lợi hưu trí dù đã đóng BHXH thời gian khá dài. Hiện cả nước có 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu, hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng; khoảng 9,6 triệu người trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự kiến tăng lên 13 triệu người vào năm 2030. Khoảng trống quyền lợi của hàng triệu người già sau 60 tuổi là quá lớn, nếu không giải quyết sẽ là gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Trong các yêu cầu về phát triển hệ thống BHXH: mở rộng đối tượng tham gia; là tấm lưới đỡ an sinh xã hội; chính sách linh hoạt phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội…, cần xem xét đề xuất trên để đưa vào áp dụng trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, ý tưởng rất tốt song cần có tính khả thi trong tổ chức, thực hiện. Quy định về thời hạn đóng BHXH dưới 15 năm với NLĐ là sát thực tế, mở rộng diện người về hưu sau khi tăng người hưởng chính sách an sinh xã hội. Nhưng với NLĐ là công nhân tại các khu công nghiệp, việc giảm năm đóng BHXH trong lúc tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng thì phải chờ nhiều năm mới có thể được nhận lương hưu. Từ đó tình trạng rút BHXH một lần vẫn sẽ tiếp diễn. Mặt khác, mức lương tối thiểu vùng hiện nay là 3,25 - 4,68 triệu đồng/tháng, NLĐ đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu vào khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu này thấp hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu, không thể bảo đảm cho người nhận số tiền này có được mức sống tối thiểu. Do đó, về lâu dài nên có phương án bù đắp lương hưu cho những người có mức lương hưu thấp hoặc có thể lấy số đông bù cho số ít.
Theo những NLĐ trong diện được đề xuất, biết rằng tiền được nhận có thể rất thấp, song có vẫn còn hơn là không có, vẫn có khoản tiền để đắp đổi khi đã tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, nên có mức sàn nhất định để người về hưu có thể sống được từ mức sống tối thiểu trở lên. Đó cũng là một yêu cầu về tính khả thi mà các cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, điều chỉnh.
Bình luận (0)