icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lễ khai giảng cho ai?

A.Q

Hãy trả lại ngày khai trường, lễ khai giảng đúng ý nghĩa nguyên sơ, thuần khiết vốn có, thật sự vì học sinh.

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường (…) Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học".

Đó là những câu văn hay, trong sáng, trích từ tác phẩm "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh, mà nhiều người thuộc nằm lòng vì đã từng trải qua tuổi học trò thần tiên, vì đã bao lần bồi hồi, xúc động trong ngày khai giảng năm học mới.

Nhưng chuyện ấy xa rồi. 21-8, 22-8 và 28-8 sắp tới là những ngày được nhiều tỉnh, thành chọn cho học sinh (HS) lớp 1 tựu trường. Riêng 21-8, tại Hà Nội và TP HCM, khoảng 250.000 HS lớp 1 đã khai giảng sớm.

Mục đích của tựu trường sớm, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), là để HS khỏi bỡ ngỡ khi vào học chính thức. Vài địa phương giải thích rằng tựu trường càng sớm, thời gian nhiều, càng đỡ áp lực cho giáo viên và HS (!)

Vậy là tiếp nối cách làm đã hơn chục năm nay, vẫn phải tựu trường sớm. Mục tiêu, mục đích ngành GD-ĐT giải thích nghe qua tưởng chừng có lý, song ngẫm kỹ thì thấy chẳng mấy thuyết phục. Đối với những vùng núi, nguy cơ bị thiên tai cao hay những vùng sâu, phải "học sớm chạy lũ" thì "đôn" thời gian học sớm là có lý. Còn với những vùng đồng bằng, đô thị, tựu trường sớm để làm gì, nhất là khối lớp 1 - lứa tuổi cần vừa học vừa chơi, chứ không phải oằn mình vì bài vở. Ngay cả với những khối lớp khác, muốn không phải đi học sớm cũng chẳng khó gì, chỉ cần bớt khối lượng bài học, tiết giảng không cần thiết là giảm tải toàn hệ thống. Ngành GD-ĐT đang triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc", cùng phương châm "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", thì tại sao lại đi ngược với cách làm của chính mình?

Và, từ chỗ tựu trường sớm, khắc thấy ý nghĩa của lễ khai giảng chính thức năm học mới đã vơi đi nhiều. Tâm trạng háo hức, cảm xúc hồn nhiên khó mà tìm thấy trên gương mặt các em HS nữa (bởi tất cả đã trải qua trước đó ít nhất 2 tuần rồi), thay vào đấy là sự uể oải, nhàm chán, mất tập trung vì phải nghe lê thê giới thiệu quan khách, đọc diễn văn, phát biểu cảm tưởng; rồi vỗ tay, vẫy cờ. Thời gian dành cho phần hội để HS hòa mình, trải nghiệm chẳng còn mấy, trong khi các em mới là chủ thể của lễ khai giảng. Đó là chưa nói tới chuyện oái ăm, nhiều nơi đã tựu trường sớm, đến khai giảng vẫn thực hiện nghi thức đón HS đầu cấp! Ngành GD-ĐT luôn kêu gọi chống lại bệnh hình thức nhưng qua cách làm lễ khai giảng thì rõ ràng là nói chưa đi đôi với làm.

Khai giảng là bắt đầu một năm dạy và học, là dấu mốc và kỷ niệm thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người. Hãy trả lại ngày khai trường, lễ khai giảng đúng ý nghĩa nguyên sơ, thuần khiết vốn có, thật sự vì HS và hãy tạo điều kiện để mọi HS đều được dự, chứ không phải mỗi lớp một vài em đại diện dự - như quy định tại một số địa phương hiện nay. Hồi năm 2019, tư lệnh ngành GD-ĐT lúc đó có hứa "sẽ trả lại lễ khai giảng đúng nghĩa". 4 năm rồi, HS vẫn chờ và lẽ nào những góp ý chân thành, trách nhiệm của các giới, ngành tiếp tục bị bỏ ngoài tai?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo