Theo Vụ Thị trường EU - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mít non đã qua chế biến của Việt Nam có cấu trúc giống thịt động vật, được các đối tác nước ngoài lùng mua vì xu hướng tiêu dùng của phương Tây là giảm các sản phẩm từ thịt động vật, tăng sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, còn một lý do nữa, đó là ít ăn thịt để hạn chế sát sinh động vật.
Hàng loạt sự kiện tích cực về bảo vệ động vật - cả hoang dã lẫn vật nuôi - đã diễn ra trong thời gian gần đây, khiến những người quan tâm đến vấn đề này cảm thấy phấn khởi. Chẳng hạn, Tổ chức Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật (PETA) sau khi tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng tại Thái Lan đã kêu gọi toàn thế giới tẩy chay các nhà sản xuất nước cốt dừa của nước này vì đã dùng khỉ vào công việc hái dừa nặng nhọc. Bằng chứng PETA trưng ra cho thấy nhiều công ty sản xuất các sản phẩm từ dừa đã mua khỉ từ bé, đưa về huấn luyện, hành hạ chúng, bắt leo cây và hái trái. Đây là hành vi ngược đãi động vật - theo PETA, đi ngược lại các giá trị văn minh, cần phải lên án bằng hành động thích đáng cụ thể.
Hay tại Việt Nam, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, hướng tới thay thế hoàn toàn loại hình du lịch cưỡi voi, đồng thời hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc voi nhằm bảo đảm voi được bảo tồn, chăm sóc, kéo dài tuổi thọ. Nguồn kinh phí thực hiện dự án này hơn 55 tỉ đồng, do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tài trợ. Như vậy là đàn voi phục vụ khai thác thương mại ở Yok Đôn và hồ Lắk sẽ được "giải phóng".
Trước đó, cách nay gần 15 tháng, sau gần nửa năm đóng cửa để phòng dịch COVID-19, Thảo Cầm Viên Sài Gòn rơi vào khó khăn khi doanh thu từ hơn 330 triệu đồng/ngày giảm chỉ còn 15 triệu đồng/ngày, kiệt quệ kinh phí để nuôi hơn 1.500 cá thể động vật và 900 loài thực vật. Trước khó khăn đó, cộng đồng xã hội đã góp tiền ủng hộ Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đủ để đơn vị này vượt qua khó khăn. Tất nhiên, tiền hỗ trợ không phải để trả lương ban giám đốc và nhân viên, mà nhằm dưỡng nuôi, chăm sóc số động - thực vật quý ở đây. Các sở, ngành chức năng sau đó cũng vào cuộc…
Từ những chuyện trên, có thể thấy rằng hoàn toàn có giải pháp để ứng xử với động vật theo hướng ngày càng văn minh hơn. Về tình, trong mỗi con người luôn sẵn có "tánh bổn thiện", chỉ cần biết cách khơi dậy. Về lý, đã có nhiều quy định, quy tắc, mà cao nhất là Luật Thú y 2015.
Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng nước ngoài, khuyến nghị nghiêm khắc của PETA hay những câu chuyện về ứng xử với động vật như đã kể trên…, đều là những chuyển biến tích cực, sẽ từng bước làm thay đổi thói quen, cách hành xử của con người, theo hướng tiến bộ hơn.
Bình luận (0)