Trước đó, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận hơn 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng ở TP Hội An vào ngày 11-9. Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang với 12 mẫu thực phẩm trong sản phẩm bánh mì cho thấy nhiều mẫu nhiễm vi khuẩn sinh độc tố. Ngày 3-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt cơ sở này 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng.
Trong tháng 5-2023, trên địa bàn TP HCM có 5 trường hợp ngộ độc do ăn chả lụa từ người bán dạo, phải nhập viện điều trị…
Đối với những đô thị lớn, những điểm du lịch thu hút nhiều du khách, vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nhất là ở các đô thị, các hàng quán hoạt động ngày đêm, các xe bán thức ăn đường phố, hàng rong… với lượng thực khách đông đảo, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu cơ quan quản lý lơ là, nếu người bán không chú trọng việc bảo đảm vệ sinh cho khách. Ngoài ra, các bếp ăn tập thể của công nhân trong các nhà máy, những nhà hàng tiệc cưới… vẫn là những địa chỉ đã từng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm…
Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm đều do khâu bảo quản, chế biến không bảo đảm an toàn; nguồn nguyên liệu (rau, củ, thịt cá…) không còn tươi nguyên, bị ôi thiu, hư hỏng được tận dụng, tái chế. Báo đài từng đưa tin về hàng tấn thịt ôi, thiu được tẩm ướp hóa chất, làm màu trong những nhà bếp dơ bẩn, nhớp nháp rồi đưa vào TP HCM tiêu thụ. Có vụ được phát hiện nhưng còn rất nhiều vụ lọt qua cửa kiểm soát rồi số thực phẩm đó vào đến bếp ăn, lên bàn ăn, vào bụng rất nhiều người.
Do đó, điều quan trọng nhất để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm là ý thức của người sản xuất, chế biến; là lương tâm, đạo đức của người cung cấp nguyên liệu và sản phẩm. Người mua những sản phẩm này, có thể là họ biết không an toàn song vì ham rẻ, lợi nhuận nhiều nên mua về để chế biến sản phẩm; còn người nghèo thì có thể biết không bảo đảm vệ sinh song do ít tiền, không có sự lựa chọn nào khác nên đành phải sử dụng…
Trong nhiều mối quan hệ xã hội đòi hỏi phải dựa trên lòng tin, đó cũng là lương tâm, trách nhiệm xã hội khi phục vụ cộng đồng. Đem đến sản phẩm không chỉ ngon mà còn sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu, từ đó nâng uy tín thương hiệu, tạo sự tin cậy cho thực khách không chỉ là quán to tiệm lớn mà kể cả gánh hàng rong được nhiều người quen tên biết mặt…
Bên cạnh đó là sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Khi có dấu hiệu vi phạm thì có biện pháp ngăn ngừa, khi đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý đích đáng để làm gương. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình về an toàn thực phẩm, ủng hộ thực phẩm sạch, tránh tình trạng mua mọi lúc, mọi nơi mà không để ý tiêu chuẩn an toàn. n
Bình luận (0)