Ban Dân nguyện cho biết do không đúng quy định pháp luật, những người này chưa được tính thời gian đóng để hưởng chế độ, trong đó có nhiều trường hợp đóng gần 20 năm. Vụ việc vỡ lở khi một số trường hợp bức xúc đã làm đơn khiếu nại, đề nghị giải quyết hậu quả của việc làm trái luật nói trên. Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo BHXH Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội rà soát, xử lý thấu đáo, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng.
Sự công khai, minh bạch cũng đã được thực thi khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11-5, Chính phủ cho biết các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức. Từ năm 2020 đến tháng 6-2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.
Sai thì phải kịp thời chấn chỉnh, khắc phục. Chỗ nào chưa rõ ràng thì phải thông tin, điều chỉnh cho phù hợp. Điển hình như việc chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam với chủ trương thu phí tham quan phố cổ. Tại cuộc họp báo chiều 11-5, chính quyền TP Hội An đã làm rõ hơn, giải đáp được những thắc mắc thời gian qua. Đó là không phải tất cả mọi ngả đường của TP Hội An đều thu phí, không có chuyện dùng người Hội An để nhận diện người Hội An hay phân luồng du khách. Lãnh đạo TP Hội An khẳng định du khách đi theo đoàn, theo tour sẽ được bố trí bán vé từ xa, có hướng dẫn chu đáo, thân thiện, tạo thoải mái cho du khách trên lộ trình. Riêng với khách lẻ thì khuyến khích mua vé, không mua thì thôi, không bắt buộc…
Với những địa chỉ là di sản thế giới như phố cổ Hội An, việc thu phí tham quan là hợp lý, khoản thu này sẽ trích một phần để chi cho việc bảo quản, trùng tu những công trình đã và đang bị xuống cấp mỗi ngày, nhất là những trận lụt và mùa mưa bão ở miền Trung kéo dài nhiều tháng. Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, trong chuyện này không phải là Hội An tận thu, không ai có suy nghĩ đó, chuyện bán vé lâu nay là bình thường và vẫn làm vì Hội An là di tích sống nên đã vào phố cổ thì phải mua vé. Tuy nhiên, thời điểm đưa ra chủ trương này (vào đầu tháng 4-2023), phía Hội An truyền thông chưa tốt, chưa giải thích rõ nên dư luận phản ứng.
Nay giải thích rõ ràng, chủ trương công khai, thông tin rành mạch và nếu Hội An triển khai thực hiện được như công bố, hy vọng người dân và du khách đến Hội An từ ngày 15-5 sẽ thấy được sự cần thiết của chủ trương thu phí, cách vận hành thu phí và phân luồng, tiếp đón du khách có được khoa học, thân thiện, văn minh như mong muốn hay không. Thực tế sẽ trả lời, chỗ nào chưa phù hợp phải kịp thời điều chỉnh, song thiện chí phải luôn đặt lên hàng đầu để du khách có được cảm giác thoải mái khi đến với di sản đáng tự hào của Việt Nam.
Bình luận (0)