Những ngày qua, thông tin một số ngân hàng tạm ngừng giải ngân tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), bao gồm cả cho vay khách hàng cá nhân, gây xôn xao. Siết tín dụng vào BĐS là chủ trương được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm từ những năm qua và gần đây tiếp tục được yêu cầu "làm chặt", để tránh biến tướng.
BĐS cũng là một lĩnh vực của nền kinh tế, có vai trò nhất định, vậy vì sao phải siết? Thông thường, ngành nghề nào tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho xã hội, đều cần được khuyến khích. Với BĐS, nếu là phân khúc xây nhà để ở, dự án chung cư, nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng khu công nghiệp... có ích cho nền kinh tế thì không nên cản trở. Nhưng với những dự án BĐS "ma", dự án khu dân cư cao cấp song bỏ hoang mà vẫn được ngân hàng thế chấp cho vay, vẫn cấp tín dụng thì phải siết lại. Nếu không sẽ tạo tâm lý đầu cơ, vay vốn ngân hàng mua nhà đất để đó chờ lên giá, với tâm lý "BĐS không bao giờ giảm giá".
Ở đây, "cực chẳng đã", nhà nước mới yêu cầu kiểm soát chặt vốn vào BĐS, bởi nếu không, dòng tiền sẽ chảy vào nhà đất rồi nằm yên ở đó, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư thương mại, xuất khẩu, logistics, du lịch, hàng không... Nếu tín dụng "đọng" lại quá lâu trong nhà đất mà không quay vòng được, sẽ gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Hẳn nhiều người còn nhớ, khủng hoảng của hệ thống ngân hàng gắn với "cục máu đông" nợ xấu giai đoạn 2012-2013 cũng liên quan đến BĐS mà đến tận bây giờ, nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa xử lý xong.
Dù liên tục nhắc nhở và yêu cầu siết chặt nhưng thực tế dòng vốn này vẫn gây những nỗi lo. Giai đoạn 2020-2021, Bộ Tài chính đã phải lên tiếng cảnh báo bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp, khi nhóm doanh nghiệp BĐS dẫn đầu thị trường về giá trị phát hành trái phiếu. Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ...
Chưa hết, như ở vụ đấu giá đất Thủ Thiêm với doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất lên hơn 24.000 tỉ đồng và tuyên bố sẽ nộp đủ tiền cọc. Nhưng ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rà soát và không cho các ngân hàng thương mại cấp tín dụng để doanh nghiệp nộp tiền cọc, ngay lập tức có doanh nghiệp bỏ cọc. Trường hợp này cũng đặt vấn đề về việc liệu đang có kẽ hở nào đó để doanh nghiệp BĐS vẫn "lách" và được ngân hàng cấp tín dụng (!?). Do đó, tiếp tục cảnh báo và siết chặt để dòng vốn tín dụng được kiểm soát đi đúng hướng là không thừa.
Quan trọng hơn, ở thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế đang hồi phục sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, doanh nghiệp ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh rất cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng để sớm khôi phục. Áp lực lạm phát từ chi phí đẩy do giá xăng dầu tăng cao càng đòi hỏi phải kiểm soát tín dụng vào BĐS, nắn dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh.
Bình luận (0)