Tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh biểu giá điện, cơ chế giá điện lũy tiến bậc thang vẫn được duy trì và chỉ khác về số bậc.
Lần này, dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp đã đưa ra phương án biểu giá gồm 5 bậc - giảm một bậc so với biểu giá hiện hành, áp dụng từ năm 2014. Thực tế, việc quy định 5 hay 6 bậc thang giá điện không khác nhau nhiều về bản chất, có chăng chỉ khác về nhóm đối tượng áp dụng với từng mức giá. Nếu không được xem xét cẩn trọng, biểu giá điện bậc thang có thể tiếp tục không nhận được sự đồng tình hoặc gây ra thắc mắc giữa các nhóm người tiêu dùng, như từng nhiều lần xảy ra.
Mục đích của việc duy trì biểu giá điện lũy tiến trong những năm qua là nhằm áp mức giá cao lên hộ sử dụng nhiều điện, qua đó khuyến khích tiết kiệm điện. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có báo cáo, thống kê chính thức nào cho thấy việc áp dụng giá điện bậc thang góp phần giúp tiết kiệm điện toàn hệ thống thế nào, tiết kiệm được bao nhiêu KWh điện. Đối với cá nhân, hộ gia đình có điều kiện thì việc sử dụng điện thoải mái phục vụ nhu cầu sinh hoạt không phải là gánh nặng lớn, vượt quá khả năng chi trả. Ngay cả với những hộ tiêu dùng không có tài chính dư dả thì trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng không thể không tăng tiêu thụ điện.
Trong khi đó, việc chia nhóm khách hàng sử dụng điện để áp những mức giá khác nhau với mục đích bù chéo là đi ngược với nguyên lý thị trường mà chúng ta đang hướng tới. Với riêng nhóm người tiêu dùng điện là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thì đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể của nhà nước. Nếu thấy cần thiết, có thể xem xét tăng mức hỗ trợ bằng cách hình thành quỹ hỗ trợ, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Trong trường hợp vẫn cần duy trì biểu giá điện bậc thang, nên tuân thủ nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho các bậc thang phải cân bằng với tổng doanh thu nếu áp dụng giá điện bình quân cho toàn bộ người tiêu dùng. Điều này nhằm tránh tạo sự chênh lệch về nguồn thu từ tiền điện, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Điều quan trọng không kém là cần minh bạch chi phí, giá thành của ngành điện; làm rõ những yếu tố đầu vào được tính vào giá thành điện có hợp lý và đúng quy định không... để xác định đúng, đủ giá bán lẻ điện. Nếu làm được điều này thì không chỉ giảm "thiệt thòi" cho ngành điện khi phải gồng gánh chi phí tăng cao mà còn tạo được sự đồng thuận từ phía người tiêu dùng. Khi đó, ngành điện mới có cơ sở để đề xuất tăng giá điện ở mức tương ứng với giá thành trong bối cảnh hầu hết chi phí đều tăng cao như hiện nay và mức giá bán lẻ bình quân 1.920 đồng/KWh điện đang được xem là thấp so với giá mua điện thực tế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bình luận (0)