Không chỉ cổ phiếu FLC, nhóm cổ phiếu của tập đoàn này cũng bị giảm sàn hàng loạt, trắng bên mua khi nhà đầu tư bán tháo. Nhiều người trót đu đỉnh cổ phiếu FLC hôm 10-1, cổ phiếu chưa về tài khoản đã giảm hơn 20% và nguy cơ thua lỗ nặng khi nắm giữ những cổ phiếu cùng họ khác như AMD, ROS, KLF, HAI...
Nhiều ý kiến của chuyên gia, luật sư cho rằng cần xử lý mạnh tay đối với hành vi "bán chui" cổ phiếu, vì không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Luật đã quy định rõ hình thức xử lý với những hành vi này. Trong quá khứ, trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng xảy ra một số vụ tương tự. Vì vậy, cần sửa luật chứng khoán theo hướng xử lý những vi phạm này với mức phạt tăng nặng hơn. Đặc biệt, có thể xem xét ở góc độ hình sự nếu hành vi đó ảnh hưởng, làm thiệt hại lớn tới thị trường và nhà đầu tư.
Nhiều quốc gia cũng xảy ra những vụ thao túng giá trên thị trường chứng khoán. Tại Mỹ, giao dịch nội gián là vấn đề nóng trong nhiều năm, gây tổn hại đến niềm tin thị trường chứng khoán, thiệt hại cho nhà đầu tư và thậm chí là cả nền kinh tế. Hành vi này còn dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.
Trên thực tế, đã chấp nhận tham gia thị trường chứng khoán sẽ khó tránh khỏi những chiêu trò, vì có rất nhiều nhà đầu tư "tinh ranh" có nhiều cách để kiếm lời. Có những tay đầu cơ rất giỏi, lách qua kẽ hở của luật, vì vậy khi phát hiện, cơ quan quản lý cần phải sửa ngay và bịt kẽ hở. Thị trường càng phát triển thì càng cần luật hóa những quy định để giảm bớt và ngăn chặn hành vi của nhà đầu tư lách luật, vi phạm quy định.
Chứng khoán là một kênh đầu tư có mức sinh lợi và đang thu hút nhiều lớp nhà đầu tư mới. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2021, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển khi thanh khoản giao dịch từng phiên ngày càng lớn, đang tiến tới cơ hội được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp FTSE trong đợt đánh giá phân loại thị trường hằng năm vào tháng 9-2022.
Việt Nam cần có những quy định ngày càng chặt chẽ hơn để hạn chế trục lợi bằng chiêu trò và việc thực thi phải nghiêm minh để giảm thấp nhất tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư. Cùng với việc sửa quy định, sửa luật để gia tăng minh bạch cho thị trường, mạnh tay với những trường hợp làm giá, "bán chui" cổ phiếu, cần sớm đưa vào hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) với những tính năng như giao dịch chứng khoán ngay trong ngày (T0); tránh nghẽn hệ thống; xem xét nới biên độ giao dịch tiệm cận với thông lệ quốc tế... Từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trở lại, bởi Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển với đà tăng trưởng và cơ hội hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Bình luận (0)