Cháu bé bị chấn thương sọ não khi đang được gửi cho người phụ nữ này trông thuê. Theo lời khai ban đầu, ngày 10-1, người phụ nữ này nhiều lần đánh vào đầu bé do bé đi vệ sinh nhưng không cho thay tã và sau đó tiếp tục hành hạ bé do không chịu bú sữa.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2020, tỉ suất mắc tai nạn thương tích trẻ em giảm từ 1.001/100.000 năm 2016 còn 600/100.000 trẻ; tỉ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích đã giảm từ 19,7/100.000 trẻ năm 2016 còn 17/100.000 trẻ. Nói là giảm nhưng nếu so sánh với khoảng 20 triệu trẻ em hiện nay của Việt Nam thì sẽ cho con số rất đáng lo. Tính ra mỗi năm chúng ta có khoảng 3.400 trẻ em bị tai nạn thương tích, tức là khoảng 10 trẻ mỗi ngày.
Giảm số lượng trên là trách nhiệm cấp quốc gia. Gần đây nhất, ngày 19-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tổng quát "Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội".
Một trong những biện pháp chính là hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỉ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là các loại hình thương tích đặc thù và có tỉ lệ tử vong cao như đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng. Tai nạn đối với trẻ em thì thiên hình vạn trạng. Đã là tai nạn thì khó tránh nhưng có thể phòng ngừa để giảm thiểu. Chương trình tổng thể của quốc gia phải được cụ thể hóa đến từng địa phương, từng ngành và tận từng gia đình.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng biến chuyển trong đánh giá thực trạng và biện pháp thực hiện còn chưa đạt yêu cầu. Hãy ví dụ như việc dạy các kỹ năng về bơi lội, tham gia giao thông của trẻ em sẽ khá rõ. Mỗi năm cả nước có đến hơn 2.000 trẻ bị đuối nước nhưng việc dạy bơi trong nhà trường đến nay vẫn chưa phổ biến. Các trường học ở đô thị cũng chưa kiện toàn được việc này dù ở cả cấp trung học cơ sở. Còn ở các vùng khác thì hầu như không có chương trình dạy bơi, trong khi nông thôn chính là khu vực đuối nước cao nhất do có nhiều sông, suối, ao, hồ, đầm phá, kênh rạch...
Còn tình trạng gửi trẻ cho các nhóm trông thuê, cá nhân nhận trông trẻ lại càng phổ biến. Trong khi chính những người này thiếu kỹ năng và tình thương bảo mẫu, thiếu hiểu biết tâm lý, không được học các biện pháp sơ cấp cứu...
Tai nạn luôn rình rập trẻ em và thường những mất mát ở độ tuổi này rất đau xót cả về mặt gia đình và xã hội. Cần phải đặt lại vấn đề thực hiện những chương trình bảo vệ trẻ em nghiêm túc nhất ở mọi cấp. Tổn thương ở độ tuổi này là tổn thương chính thế hệ tương lai của quốc gia.
Bình luận (0)