xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghịch lý lãi suất cho vay

Thái Phương ghi

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế

Các quyết định giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 19-6. Động thái này đánh dấu lần thứ 4 liên tiếp trong vòng 3 tháng qua, NHNN giảm lãi suất để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Lãi suất điều hành giảm trong bối cảnh áp lực lạm phát được kiểm soát, tỉ giá ổn định và cầu tín dụng yếu khi tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 3,17% trong 5 tháng đầu năm, thay vì 8,09% của cùng kỳ năm trước. Nhiều NH thương mại đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất giảm khá mạnh nhưng vẫn rất khó tìm khách hàng tốt.

Ngược lại, rất nhiều khách hàng cá nhân và DN đang có khoản vay tại NH thương mại lại phản ánh phải chịu lãi vay rất cao. Khách hàng cá nhân vay mua nhà nói lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu tại một số NH vẫn từ 13%-15%/năm; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh của DN trên 12%/năm, vay đầu tư dự án bất động sản 13%-14%/năm… Đang có nghịch lý - lẽ ra NH thương mại nên ưu ái, giảm lãi suất đối với khách hàng hiện hữu có lịch sử trả nợ tốt, không có nợ xấu; thay vì "đốt đuốc" đi tìm kiếm khách hàng mới.

Nhìn khách quan, nếu so với giai đoạn căng thẳng về thanh khoản, hạn mức tín dụng không còn nhiều, khó khăn dồn dập tác động từ thị trường bất động sản, trái phiếu DN vào cuối năm ngoái thì thời điểm này hệ thống NH đã ổn định hơn nhiều. Tuy nhiên, lãi suất cho vay chưa giảm như kỳ vọng.

NHNN lý giải lãi suất cho vay của Việt Nam còn cao do hệ thống NH là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, tỉ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,3% trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Hệ thống NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống nhưng vẫn phải đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn - trên 52% dư nợ tín dụng VNĐ của hệ thống là trung dài hạn nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.

Áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động tới lãi suất, tỉ giá trong nước. Áp lực lạm phát hiện hữu, người dân kỳ vọng lãi suất thực dương, từ đó chi phí huy động vốn ở mức cao.

Một nguyên nhân khác mà NHNN chưa đề cập, là trong bối cảnh thị trường bất động sản, trái phiếu gặp khó, không ít NH thương mại đã phải tăng huy động đầu vào với lãi suất cao rồi tìm cách cho vay "sân sau" là công ty bất động sản. Sự phân hóa giữa các NH tốt với NH yếu kém ngày càng lớn khiến mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm mạnh.

Thị trường và các NH thương mại cần thời gian để "tiêu hóa" hết lượng vốn huy động đầu vào với lãi suất rất cao vừa qua trước khi kéo nhanh mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống. Để hỗ trợ cho quá trình này, cần sự tiếp sức của nhà nước bằng cách cung ứng nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp cho các NH thương mại. Đặc biệt, cần triển khai gói ưu đãi lãi suất 2 - 3 điểm % nhưng phải thực chất, thay đổi cách thức thực hiện để DN có thể tiếp cận, góp phần tiếp sức cho DN lúc này. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo