Những vụ chìm canô, đò, ghe, tàu trên sông, biển như thế này không xảy ra ở Cửa Đại thì đã hoặc cũng sẽ xảy ra ở đâu đó, khi mà hệ thống sông ngòi, bờ biển, bãi ngang... ở nước ta phức tạp về địa hình và dòng chảy, trong lúc năng lực đơn vị vận tải, chất lượng phương tiện lẫn ý thức người tham gia giao thông đều chưa bảo đảm an toàn cần thiết. Tròn 2 năm trước, ngày 25-2-2020, trên sông Vu Gia (chảy qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), chiếc thuyền chở 10 người đến giữa sông thì bị lật, làm chết 6 người, trên đó không hề có dụng cụ cứu sinh.
Rõ là, vụ lật canô ở bờ biển Cửa Đại vào chiều 26-2-2022 là hậu quả kéo dài của những bất cập lưu niên, cho dù lái tàu và tài công (còn sống sót) cam đoan rằng canô chở đúng số lượng khách và tất cả đều được trang bị áo phao!
Tôi đã nhiều lần đi canô từ Cửa Đại ra Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Lần nào cũng nín thở, cầu nguyện vì canô phóng bạt mạng, bất kể khách nôn mật xanh mật vàng. Có chuyến, khách chẳng ai chịu mặc áo phao, tài công nhắc cho có, rồi canô vẫn cưỡi sóng. Trong thâm tâm, ai cũng chỉ mong toàn mạng, cứ nghĩ tai nạn - nếu có - thì chắc là xảy ra ở đâu đó, chứ không vận vào mình! Mỗi lần sóng đập vào mạn canô gây rung lắc, hành khách "ồ" lên, tài công trấn an: Không sao đâu, canô mình vỏ composite, đồ xịn, dễ chi... Đến khi vụ canô của Công ty CP Du lịch Phương Đông bị sóng đánh bể gây chìm chiều 26-2, tôi hiểu thêm chuyện gì đến sẽ phải đến...
Liên quan vụ Cửa Đại, tôi gọi điện hỏi ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, tại sao biển động, thời tiết xấu mà vẫn cho các phương tiện du lịch biển hoạt động? Ông Sơn nói đánh giá mức độ an toàn và quyết định "chạy (canô) hay không chạy" là do các đơn vị chuyên trách, phân cấp xưa nay như vậy.
Nhìn ra thực tế, cũng khó trách chính quyền TP Hội An, nhiều địa phương khác sau thời gian dài "đói" khách nay du lịch cũng xăng xái phục vụ, từ miền Bắc, miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đến miền Tây Nam Bộ đều kích hoạt du lịch sông nước khi dịch bệnh Covid-19 không còn là mối đe dọa quá lớn như trước kia. Việt Nam có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa liên thông giữa các tỉnh, thành phố và các vùng với hơn 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải. Cả nước có hơn 27.000 km đường thủy đang được khai thác vận tải với hơn 45 tuyến chính, gồm hơn 7.100 km luồng đường quốc gia và hơn 20.500 luồng địa phương. Tính đến cuối tháng 2-2022, tổng số phương tiện vận tải thủy đăng ký hoạt động lên hơn 256.500 chiếc.
Du lịch đường thủy càng sôi động thì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn càng cao, trường hợp ở Cửa Đại hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác.
Những vành tang trắng hôm nay gây bao bi thương, trắc ẩn với cộng đồng, biết đến bao giờ những nỗi đớn đau như thế này mới chấm dứt? Các cơ quan hữu trách thay vì vào cuộc khi "sự đã rồi", hãy hành động quyết liệt từ đầu để tránh thảm họa sông nước.
Bình luận (0)