Một góc TP Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: HOÀNG TUẤN
Chuỗi lây nhiễm này xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn, nhiều nơi đang mở cửa dần, cho phép một số hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho "vùng xanh" hay mở cửa đảo ngọc với các tiêu chí an toàn theo cách tiếp cận mới "sống chung với Covid-19"? Tỉnh Kiên Giang, TP Phú Quốc làm sao để đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao: Thí điểm mở cửa Phú Quốc, phấn đấu đến cuối năm nay đạt chỉ tiêu đón 2-3 triệu lượt khách du lịch?
Những năm qua, hòn đảo lớn nhất Việt Nam này có tốc độ phát triển rất nhanh, thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP, không chỉ đóng góp gần một nửa nguồn thu ngân sách cho tỉnh Kiên Giang mà còn là địa bàn du lịch sôi động nhất nước. Vì vậy, việc đóng hay mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch của Phú Quốc không còn là vấn đề riêng của thành phố đảo hay của tỉnh Kiên Giang mà có ý nghĩa rộng lớn hơn.
Đã đến lúc không nên bàn việc chính quyền có nên mở cửa hay không mà phải tập trung vào các giải pháp mở cửa hoạt động trở lại như thế nào cho an toàn. Không thể chống dịch bị động, sợ dịch mà phải bằng cách tiếp cận chủ động, tìm cách thích ứng với các giải pháp an toàn tích cực. Yêu cầu đó đòi hỏi phải giải bài toán chi phí - lợi ích khi chính quyền ra quyết định, áp dụng các giải pháp và biện pháp phòng chống dịch liên quan đến hoạt động kinh tế và đời sống dân sinh.
Chùm ca F0 mới khiến Phú Quốc đối mặt thách thức nhưng không phải không thể vượt qua bằng cách chủ động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, bám sát tình hình thực tiễn và chủ động bố trí nguồn lực, chỉ huy thông suốt.
Cần đẩy nhanh độ phủ tiêm vắc-xin cho người dân trên đảo. Điều này hoàn toàn làm được với dân số khoảng 200.000 người, địa lý tương đối biệt lập của một thành phố đảo. Nó là điều kiện để tạo ra vùng an toàn, miễn dịch.
Muốn vậy, đề xuất Bộ Y tế cần ưu tiên bố trí nguồn vắc-xin riêng cho Phú Quốc chứ không thể lệ thuộc nguồn phân bổ của tỉnh Kiên Giang. Cùng với "hộ chiếu vắc-xin", "thẻ xanh vắc-xin", cũng cần nghiên cứu để bảo đảm điều kiện y tế như các nước đã làm là khuyến khích tiêm vắc-xin cho du khách đến Phú Quốc. Vì vậy, xử lý chuỗi F0 mới trên đảo Phú Quốc cần khu trú trên phạm vi nhỏ nhất có thể bảo đảm độ an toàn. Các cấp lãnh đạo cần tránh tâm lý "sợ trách nhiệm" càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế và sức ì của đảo ngọc, vốn rất năng động trong phát triển.
Cần chuẩn bị các kịch bản theo từng cấp độ khác nhau của hình hình diễn biến dịch bệnh và cường độ hoạt động kinh tế, du lịch trên đảo sẽ diễn ra khi quyết định mở cửa sang trạng thái bình thường mới. Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân... chính là cách thức để ngành du lịch và các hoạt động kinh tế của đảo ngọc nhanh chóng phục hồi và phát triển an toàn.
Bình luận (0)