Thế nhưng năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) giảm từ 20% đến 50%, lượng tồn kho tăng. Quý I/2023 xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,8 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Với diễn tiến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023.
Vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục. Về phía DN cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp giữ chân khách hàng truyền thống và tìm kiếm khách hàng mới; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm để phù hợp thị trường; tích cực tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới,…
Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề lớn của ngành thủy sản cần Chính phủ tháo gỡ. Đó là về nguyên liệu và duy trì năng lực sản xuất nguyên liệu. VASEP đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp bằng lãi vay ngoại tệ cho DN thủy sản vay, thu mua trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch nhằm tạo chương trình kích cầu cũng như tạo tâm lý yên tâm cho nông - ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu.
Bên cạnh đó, nên điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản; đồng thời rà soát thủ tục, xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Ngoài ra, cho phép DN thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và II/2023; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Vấn đề không kém phần quan trọng là khơi thông và phát triển thị trường. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với VASEP triển khai đề án xây dựng thương hiệu, trước hết tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý IV/2023. Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Trước mắt đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các địa phương lớn của Trung Quốc, các thị trường giáp biên.
Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung ngân sách cho hội chợ thủy sản hằng năm tại Thanh Đảo vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Bên cạnh đó, còn cần một số chính sách khác giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản, giúp ngành phục hồi sản xuất kinh doanh năm 2023 và tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững về lâu dài.
Bình luận (0)