Nhưng gần 5 tháng qua, tiến độ thực hiện gói hỗ trợ này rất chậm. Đến nay, số hồ sơ được giải ngân ở 16.436 doanh nghiệp với 1.004.472 lao động và số tiền hơn 728 tỉ đồng, chỉ đạt 11,23%. Có 10 địa phương tiến độ giải ngân rất chậm, dưới 2,5%. Tại hội nghị ngày 11-8, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết vào ngày 4-8, có tỉnh báo cáo tỉ lệ giải ngân là 5%, một tuần sau cũng vẫn là 5%. Lý do của tình trạng này, theo Bộ LĐ-TB-XH là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt; cán bộ công chức thẩm định, tiếp nhận chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai chính sách…
Người lao động mong ngóng, chờ đợi có tiền để vợi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống, còn các cơ quan hữu trách thì cứ đủng đỉnh mà làm. Trong các lý do được nêu ra, có thể thấy tình trạng sợ trách nhiệm (hoặc nói thẳng ra là thiếu trách nhiệm) chính là một căn bệnh trầm kha, bộc lộ trên nhiều phương diện khác, điển hình như đầu tư công.
Đến cuối tháng 7-2022, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước chỉ đạt gần 34,5%. Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, do các địa phương e ngại trách nhiệm trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... Nhiều bộ, cơ quan, địa phương giải ngân rất ít, trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, cần vốn cho nhu cầu phát triển, đầu tư công là động lực quan trọng cần được thúc đẩy.
Hai chủ trương trên đều là những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng, thế nhưng thực hiện lại không hiệu quả. Đây cũng là những điển hình về sự trì trệ, về những điểm nghẽn, sức ì, cản trở phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua. Dĩ nhiên sự thận trọng trong công việc là cần thiết nhưng hiệu quả công việc còn ở chỗ phải kịp tiến độ và cán bộ thực thi không chỉ am hiểu chuyên môn mà còn có tinh thần dám chịu trách nhiệm. Tư duy nhiệm kỳ, không dám quyết đoán, sợ trách nhiệm của người lãnh đạo đã khiến cho nhiều địa phương suốt nhiệm kỳ chẳng có công trình dân sinh nào đáng kể, đời sống người dân chẳng cải thiện là bao.
Để bộ máy vận hành thông suốt, cần thay ngay những nhân sự không làm được việc. Cứ nhìn vào những chủ trương quốc kế dân sinh mà đánh giá cán bộ sẽ bảo đảm chính xác. Những ai né tránh trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xử lý hình thức tương ứng và điều chuyển sang vị trí công tác khác. Những cán bộ dám nghĩ dám làm, lăn xả quên mình vì dân vì nước phải được tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Có làm với sự xốc vác mới phát hiện cái chưa được để điều chỉnh, còn hơn không làm để cuối năm báo cáo thành tích là những số liệu trơn tru nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội là rất thấp.
Ngay cả việc đơn giản thủ tục như gói 6.600 tỉ đồng mà cứ đẩy đưa qua lại, chẳng chịu làm, thì ngửa tay nhận đồng lương từ tiền thuế của dân có xứng đáng không?
Bình luận (0)