Một thành phố đông dân nhất nước, có nguồn thu nhập lớn nhất, nơi tập trung sản xuất công nghiệp trù phú nhất... thì sức khỏe cộng đồng là vấn đề cấp bách. Hệ thống các bệnh viện đa khoa cấp thành phố và trung ương trên địa bàn đã từng được đầu tư nhanh chóng, bên cạnh đó các bệnh viện tư nhân cũng được xây dựng ồ ạt.
Thế nhưng, đây cũng chính là những khó khăn của hệ thống y tế TP HCM. Thành phố dù muốn dù không cũng phải cáng đáng là trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả khu vực phía Nam. Những bệnh viện tầng trên quá tải, phải tăng năng lực phục vụ và qua đó, tăng thu hút nguồn nhân lực. Từ đó hệ thống y tế cơ sở thiếu bác sĩ, thiếu trang thiết bị và dần dần mất "khách hàng". Mặt khác, nguồn thu nhập và cơ hội phát triển nghề nghiệp của nhân viên y tế nơi đây cũng thấp hơn những nơi khác nên không đủ sự hấp dẫn để họ chấp nhận làm việc.
Theo thói quen trực quan, chúng ta thường đánh giá năng lực của ngành y tế qua sự hiện đại của hệ thống bệnh viện tuyến trên mà xem nhẹ mạng lưới y tế cơ sở. Trong khi y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ tất cả điểm yếu của hệ thống này và qua đó chỉ ra những hạn chế về chính sách chăm sóc đội ngũ y tế sát với cộng đồng. Hãy hình dung cộng đồng dân cư như một thân thể. Nếu được dự báo nguy cơ bệnh tật sớm, đặt ra những biện pháp phòng ngừa và chăm sóc hợp lý thì cơ thể này sẽ tránh được trọng bệnh. Những vấn đề này chính là nhiệm vụ của y tế cơ sở - một lĩnh vực mà dường như chưa được đánh giá đúng tầm và đầu tư đúng mức.
Chi phí cho y tế thường là chi phí bắt buộc và khó có gia đình nào tránh khỏi. Thậm chí chỉ cần một người lâm trọng bệnh thì gia đình có thể khánh kiệt. Nâng thể trạng, sớm được chăm sóc và có hướng dẫn điều trị chuẩn xác từ y tế cơ sở sẽ góp phần lớn vào việc giảm thiểu bệnh nặng. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng công bố đầu năm 2021, tính bình quân, Việt Nam có 8,8 bác sĩ/vạn dân. Con số này khá cao so với các nước lân cận nhưng còn thấp so với các nước phát triển như Úc là 38 bác sĩ/vạn dân; Mỹ là 22 bác sĩ/vạn dân...
Câu chuyện của TP HCM hy vọng là khởi đầu cho một chương trình mới ở bình diện quốc gia về cải thiện hệ thống y tế cơ sở. Phát triển kinh tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu sức khỏe chung của cộng đồng không được nâng cao. Không có sự thụ hưởng cá nhân nào còn nhiều giá trị khi tinh thần và thể chất con người suy kiệt. Sức khỏe cộng đồng cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hiệu quả của một quốc gia nên hiện tại là nâng cao năng lực y tế cơ sở, tiến tới nâng tỉ lệ bác sĩ trên sĩ số dân cư. Và xa hơn là tổ chức được hệ thống bác sĩ gia đình.
Bình luận (0)