Đây là nội dung chính của công điện vừa được Thủ tướng Chính phủ ký về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC.
Công điện trên ra đời trong bối cảnh nhiều địa phương, hiệp hội kinh tế báo cáo hàng loạt công trình, cơ sở buộc phải tạm dừng hoạt động, làm gián đoạn việc đầu tư xây dựng, sản xuất - kinh doanh vì không đáp ứng được yêu cầu về PCCC, mà theo DN là có lúc, có nơi rất khắt khe, khó có thể thực hiện. Nhiều quy định quá mới mẻ, nhiều tiêu chuẩn vượt quá khả năng của DN, nhiều yêu cầu mà tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước chưa có…
Đây là thời điểm đầy khó khăn để DN phục hồi sản xuất - kinh doanh sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19. Với tình hình thế giới nhiều biến động, một số ngành trong nước khó càng thêm khó và bức tranh chung của nền kinh tế không khởi sắc như những mục tiêu đề ra. Việc hàng loạt công trình, cơ sở phải ngưng hoạt động chỉ vì vướng những quy định về PCCC là một phần trong bức tranh chung này. Trong khi đó, nếu những vướng mắc ấy có thể tháo gỡ được thì đừng nên để chậm trễ.
Thực tế, sở dĩ có những quy định thắt chặt về PCCC là bởi trong thời gian dài, một số địa phương đã buông lỏng công tác này. An toàn PCCC không được ưu tiên đặt lên hàng đầu khi phê duyệt các công trình xây dựng; không được kiểm tra, xử lý nghiêm túc khi các tòa nhà, nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh đi vào hoạt động... Thậm chí, tình trạng này làm phát sinh tiêu cực để bao che những lỗi về PCCC mà không lường đến các tình huống nguy hiểm có thể gây ra thảm họa.
Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, TP Hà Nội năm 2016 làm 13 người thiệt mạng; vụ cháy nhà xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội năm 2019 làm 8 người chết; vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, TP HCM năm 2018 làm chết 13 người, bị thương 72 người… đã cho thấy những bất cập trong công tác PCCC. Sau những vụ cháy kinh hoàng này, dư luận gay gắt đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cả công tác quản lý của địa phương.
Thực tế, không ít DN chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc PCCC, xem thường tính mạng người khác khi lơ là tuân thủ quy định. Họ tối giản những hạng mục ít sử dụng để giảm chi phí xây dựng, vận hành mà bất chấp mối nguy hiểm về cháy nổ luôn thường trực. Nhiều chủ DN phải trả giá đắt, tán gia bại sản, thậm chí vướng vòng lao lý khi xảy ra sự cố.
Thông thoáng thủ tục hành chính về PCCC không có nghĩa là xem nhẹ các quy định cần thiết. Quy định nào thật sự bất khả thi, không phù hợp thực tế thì điều chỉnh; quy định nào cần thời gian dài thực hiện thì gia giảm, quy định nào chưa sát thực tiễn thì sửa đổi… Về nguyên tắc, không thể du di với bất cứ hành vi nào có thể gây nguy hại đến sinh mạng người khác. PCCC là công tác bắt buộc và đã được luật hóa. Vấn đề là cần làm thế nào để những thủ tục hành chính về PCCC trở nên thông thoáng, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nhưng phải bảo đảm an toàn - như công điện của Thủ tướng đã nhấn mạnh.
Bình luận (0)