Đây chẳng phải là quyết định cảm tính. Hội An có cái lý của họ. Một là, việc thu phí này đã từng tiến hành mấy năm trước rồi, tuân thủ theo điều 14 và 15 của Quy chế Bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18-12-2020 của UBND tỉnh này. Do dịch COVID-19, cần kích cầu du lịch nên năm 2021, 2022, Hội An miễn thu; nay tình hình đã ổn, việc thu phí du lịch được tiến hành trở lại. Hai là, toàn bộ tiền phí được đem đầu tư cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo phố cổ và di tích; giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; phòng chống cháy nổ; nạo vét sông Hoài; chi phí nhân công và biểu diễn văn hóa - nghệ thuật phục vụ khách.
Trao đổi với người viết bài này sáng 4-4, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, giãi bày: Trước dịch COVID-19, Hội An thu ngân sách hơn 2.400 tỉ đồng/năm, trong đó phí du lịch khoảng 220 tỉ đồng; những năm bùng dịch chỉ thu được hơn 700 tỉ đồng, trong đó phí du lịch chỉ đạt vài chục tỉ đồng. Trong khi đó, nhiệm vụ trùng tu, bảo tồn di tích, nhà cổ cùng các hoạt động khác (kể trên) vẫn phải tiến hành thường xuyên. Nếu miễn phí toàn diện thì nguồn thu ngân sách không thể trang trải nổi.
Quan điểm của chính quyền Hội An - chiếu theo tình hình thực tế địa phương và cách làm của rất nhiều địa chỉ du lịch trên thế giới - là khá phù hợp. Hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy thu phí du lịch (có nơi gọi là thuế) đã khá phổ biến. Mới nhất, Venice (Ý): Từ hè năm nay, mỗi du khách đến đây đóng thuế 3-10 euro; Thái Lan: Từ tháng 6-2023, khách quốc tế vào nước này tốn 300 baht (khoảng 200.000 đồng, có vài diện miễn trừ); Barcelona (Tây Ban Nha): thuế du lịch hiện là 2,75 euro/người, từ ngày 1-4-2024 sẽ tăng lên 3,25 euro/người; Bali (Indonesia): 9 euro/người; Bhutan: 250 USD/người/ngày - cao chót vót! Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng thu phí du lịch một số thành phố, điểm du lịch; Trung Quốc cũng vậy. EU cuối năm nay sẽ áp dụng thị thực (visa) du lịch 7 euro. Tính đến nay, có hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ thu phí/ thuế du lịch, mục đích chung là tránh quá tải du lịch, bảo vệ môi trường, tôn tạo di tích...
Tâm lý xã hội nhìn chung là không muốn mất tiền, hầu hết công ty lữ hành cũng vậy. Nhưng nếu ai cũng không chia sẻ thì lấy gì chăm lo cho di sản? Phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Đây là "tài sản" của cộng đồng. Cộng đồng được thụ hưởng các giá trị do di sản mang lại thì cộng đồng cũng cần chung tay làm cho di sản ngày một tốt đẹp hơn. Đóng phí là một cách thể hiện tinh thần "cộng đồng trách nhiệm", như rất nhiều nơi đã áp dụng.
Vấn đề Hội An cần giải quyết tốt chính là cách làm sao cho lịch sự và hiệu quả. Ngoài ra, cần cân nhắc giảm mức thu. Cũng nên tính đến phương án miễn phí cho du khách trong nước. Quan trọng hơn cả là cải thiện dịch vụ du lịch sao cho thật tốt. Cuối cùng là công khai tài chính hằng năm để cho thấy khoản phí du lịch đã được sử dụng đúng mục đích.
Bình luận (0)