Với nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,72%. Trong đó, động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là khu vực dịch vụ.
Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan nhưng nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn đang bị co lại. Thị trường xuất khẩu sụt giảm, các DN giãn việc khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, phải thắt lưng buộc bụng. Để kích cầu tiêu dùng các tháng cuối năm, nhà nước đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng không đủ tạo ra tác động lớn cho thị trường. Người dân, DN vẫn mong chờ có thể giảm tiếp những sắc thuế khác để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn.
Bài toán tăng trưởng tiêu dùng nội địa, kích thích người dân tiêu tiền trong giai đoạn này quan trọng nhất là phải làm sao cho giá thành giảm xuống. Cụ thể là phải giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành, đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, tạo điều kiện tối đa cho các DN làm chương trình khuyến mãi.
Bên cạnh đó, phải làm cho thị trường sinh động lên thông qua chiến lược marketing, tạo thêm kênh cho người dân tiêu xài thông qua các hoạt động lễ hội, hội chợ, triển lãm, hoạt động kinh tế đêm…; miễn phí cho DN vào giới thiệu và bán sản phẩm. Nhiều DN xuất khẩu đang rất muốn phát triển tiêu thụ ở thị trường nội địa. Các DN thời gian qua tập trung xuất khẩu sẽ phải nỗ lực "làm lại từ đầu" mới thuyết phục người tiêu dùng đến với sản phẩm của mình. Trong lúc DN chưa xây dựng được hệ thống phân phối nội địa, rất cần các điểm bán hàng trong thời gian đầu. Có thể tận dụng những mặt bằng đang bỏ trống để phục vụ cho các hoạt động thương mại và miễn phí cho khách hàng. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng và thuyết phục họ mua sắm.
Từ đầu năm đến nay, nhiều DN cật lực xoay xở, kích cầu thị trường để giữ nhịp tăng trưởng. Do nguồn lực của DN có giới hạn nên rất cần vai trò của nhà nước kích thích tổng cầu xã hội. Trong bối cảnh thị trường nước ngoài ảm đạm, thị trường trong nước còn trầm lắng, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các hoạt động chi tiêu của Chính phủ để tạo ra tâm lý lạc quan và kích thích được tiêu dùng của xã hội.
Riêng với TP HCM, Nghị quyết 98 tạo nên niềm tin TP HCM sẽ có những cơ chế đặc thù để mở rộng phát triển và giải quyết nhanh các khó khăn tồn đọng do thiếu cơ sở pháp lý, giúp mở ra cơ hội làm ăn, giúp thị trường trong nước sôi động lên. DN TP HCM có truyền thống năng động, nếu có cơ hội, DN sẵn sàng dấn thân, nỗ lực vì sự phát triển của DN nói riêng và kinh tế TP HCM cũng như cả nước nói chung. Vì vậy, phải nhanh chóng đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 98, có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để tạo sức lan tỏa.
Thanh Nhân ghi
Bình luận (0)