Trung ương và tất cả các đơn vị cơ sở đã triển khai quy tập, đưa các liệt sĩ vào an nghỉ tại các nghĩa trang để chăm lo hương khói. Tuy vậy, đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ đang nằm lại nơi rừng thiêng, ở nước bạn chưa được tìm thấy.
Tôi đi khá nhiều nghĩa trang liệt sĩ và thấy các nghĩa trang ngày càng được tu bổ, nâng cấp và hoàn thiện. Liệt sĩ dù có tên hay chưa có tên đều được sắp đặt, an nghỉ ở những vị trí trang trọng, ngay hàng thẳng lối, tạo nên hình ảnh một đội quân, một đơn vị, một tập thể nghiêm trang của quân đội. Phần mộ của các liệt sĩ tựa như một ngôi nhà với hình dáng, màu sắc đẹp, khang trang và luôn được chăm sóc chu đáo.
Đối với thân nhân các liệt sĩ, các chế độ chính sách, công tác chăm lo "đền ơn đáp nghĩa" ngày một hoàn thiện. Việc quản lý danh sách liệt sĩ đã được tập hợp vào hệ thống từ trung ương cho đến các cấp dưới, tạo thuận lợi cho các thân nhân khi tìm hiểu được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng là toàn dân, nhất là các cựu chiến binh luôn quan tâm đến các đồng đội đã ngã xuống. Họ thường xuyên trở lại chiến trường xưa và các nghĩa trang để chăm lo hương khói và tiếp tục những chuyến đi tìm kiếm hài cốt đồng đội...
Điều tôi trăn trở lâu nay là làm sao càng sớm xác định danh tính các liệt sĩ chưa biết tên thì càng tốt. Bởi vì, càng kéo dài thời gian thì càng khó xác định được dù ta có mở ngân hàng ADN. Thân nhân liệt sĩ càng ngày càng già yếu, nhiều người mất đi nên sau này có muốn xét nghiệm ADN cũng rất khó. Nếu như nhà nước dành một khoản kinh phí nhất định, tăng cường các cơ sở xét nghiệm ADN để đẩy nhanh tiến độ hơn nữa thì hay hơn. Trước sau chúng ta cũng xét nghiệm, nếu đẩy nhanh việc này thì quá tốt, tên tuổi các anh sẽ sớm được tìm thấy.
Ở các nghĩa trang có 2 trường hợp liệt sĩ, đó là liệt sĩ đã có tên có mộ và liệt sĩ có mộ nhưng chưa có tên. Còn trường hợp thứ ba là những liệt sĩ không có mộ (hoặc không thể có mộ) mà chỉ có trong danh sách thuộc các đơn vị và các cơ quan quản lý nhà nước về liệt sĩ. Tôi gọi đây là trường hợp hạn hữu, đặc biệt dù không nhiều trong số gần 1,2 triệu liệt sĩ trên cả nước.
Về mặt tâm linh, về mặt tình cảm, thân nhân của các liệt sĩ này đau đớn lắm, hằng mong đón hài cốt trở về. Cha, chồng, con của họ đã hy sinh cho Tổ quốc nhưng bao năm nay họ vẫn đau đáu câu hỏi: Người thân tôi nằm ở đâu? Tôi là người trong cuộc nên đồng cảm sâu sắc với các thân nhân liệt sĩ ở điểm này.
Tôi biết rằng việc này là thách thức lớn nhưng về lâu dài Nhà nước cần có phương sách, có cách xử lý để con cháu, thân nhân liệt sĩ sớm tìm lại được người thân.
Đức Nghĩa (ghi)
Bình luận (0)