Bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19
Một người thân gọi điện thoại hớt hải nhờ tìm chỗ nào còn trống giường điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 nặng để "gửi" mẹ mình - đang điều trị ở bệnh viện (BV) quận, tình trạng suy hô hấp nặng, phổi đông đặc. BV nói ở đây không thể cứu, chỉ cần tuyến trên có nơi nào nhận là sẽ chuyển viện ngay, may ra kịp...
Nghe tiếng nấc nghẹn qua điện thoại, có phần hoảng loạn, tôi hiểu tình trạng khẩn cấp của BN, bèn gọi điện và nhắn tin hỏi nhờ hàng loạt chỗ quen, đều là các BV điều trị Covid-19 thuộc tầng 4, tầng 5. Hai chỗ phản hồi bằng icon "mặt buồn, nhỏ lệ", hai chỗ khác trả lời cụ thể. Thầy thuốc Nhân dân-TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân Dân 115, giọng trầm buồn nói qua điện thoại: "115 quá sức chịu đựng lâu rồi, hiện không xê xích nổi một cái giường trống. Hãy gọi Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối xem chỗ nào còn".
Tôi nhờ kết nối BV Pháp Việt (FV), vừa mới đưa dịch vụ điều trị Covid-19 vào hoạt động, cũng nhận được câu trả lời không vui: Số BN vượt quá số giường rồi, không nhận nữa. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, thì nhắn tin: Chợ Rẫy còn tới 96 ca Covid-19 nặng đang phải nằm ở cấp cứu, chưa được lên khoa (Nhiệt đới), vì không còn giường. Tôi hỏi BV Hồi sức Covid-19 thế nào, BS Thức cho biết: Căng thẳng khủng khiếp!
Trong lúc gia đình, kể cả tôi là người giúp gửi bệnh, gần như tuyệt vọng thì TS-BS Nguyễn Tri Thức sắp xếp được và tiếp nhận bà cụ. Cả nhà thầm cảm ơn BS Thức và BV Chợ Rẫy rất nhiều, dù biết rằng cơ hội cứu sống BN khá mong manh, trước khi chuyển viện đã hấp hối rồi, chỉ mong còn nước còn tát. Và sang giữa chiều cùng ngày thì bà ra đi.
Chiều cùng ngày, nối máy với TS-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế - đơn vị đặc trách Trung tâm Hồi sức Covid-19 vừa khánh thành hôm 7-8 vừa qua ở quận Tân Phú, TP HCM, ông cho biết: "Khánh thành gần giáp tuần rồi mà chưa thể tiếp nhận BN vì thiếu thốn nhiều quá. Các thiết bị, sinh phẩm cơ bản đều thiếu, phải đưa từ Huế vô, vài loại cao cấp còn chờ nhà tài trợ nhập về. Chưa biết mai, mốt kịp hoạt động không...".
Trung tâm này có quy mô 500 giường, hoạt động sớm một ngày thì BN được có chỗ nằm và được điều trị sớm một ngày, cơ hội thoát chết tăng lên.
TS-BS Phan Văn Báu chia sẻ với tôi: Cần phải cho người dân biết chính xác tình trạng y tế để họ ý thức cao hơn trong phòng chống dịch bệnh; để công luận chia sẻ với ngành y, với các BV. Các BV cần được đầu tư thêm, mạnh hơn và nhanh hơn bằng nhiều nguồn lực. Hiện các BV vừa khám chữa bệnh và điều trị cho BN mắc rất nhiều loại bệnh khác vừa căng sức chiến đấu với Covid-19 nên phải dốc hết quân số và trang thiết bị, thuốc men trong kho lẫm cho cuộc chiến này mà không đủ, đành phải nhờ đến nguồn xã hội hóa... Bác sĩ mà phải bao sân mọi việc thì khó lòng làm chuyên môn một cách tốt nhất được.
TP HCM và cả nước đang căng sức chống dịch. Sự quá tải của ngành y là không tránh khỏi khi Covid-19 còn rất căng thẳng. Thấy rõ tình hình này để thấu cảm với các "chiến sĩ blouse trắng", họ không chỉ cần được động viên về tinh thần mà phải được tạo điều kiện tốt nhất để dồn tất cả trí và lực cho chuyên môn.
Bình luận (0)